Thời báo Di dân mới toàn cầu / Ủy ban Nhân quyền Quốc gia Đài Loan đã phát động chuỗi hoạt động “臺灣人權PLUS” (Nhân quyền Đài Loan PLUS). Vừa qua, sự kiện đầu tiên là buổi trình bày báo cáo dự án nhân quyền của ngư dân người nước ngoài đã được tổ chức nhằm thảo luận về các vấn đề và phương hướng cải thiện bảo vệ nhân quyền của ngư dân người nước ngoài tại Đài Loan. Ủy viên Vương Ấu Linh chỉ ra rằng, Viện Giám sát đã xem xét 6 vụ việc lớn về nhân quyền của ngư dân nước ngoài được điều tra trong những năm qua và phát hiện ra những vấn đề chủ yếu và khó khăn về điều kiện làm việc của ngư dân nước ngoài trên tàu, bao gồm: 1. Làm thêm giờ, giờ làm việc quá dài; 2. Lương không được trả đầy đủ; 3. Điều kiện sinh hoạt trên thuyền cần được cải thiện; 4. Nước uống và thức ăn thiếu thốn; 5. Làm việc ngoài biển quá lâu và không thường xuyên cập bến để được liên lạc được người thân; 6. Do quy định luật thuê dùng lao động trong và ngoài lãnh thổ Đài Loan khác nhau dẫn đến chế độ đãi ngộ khác biệt.
Xem thêm: Di dân mới của Đài Nam tham gia hoạt động cắt tóc từ thiện cho người cao tuổi
Vừa qua, sự kiện trình bày báo cáo dự án nhân quyền của ngư dân người nước ngoài đã được tổ chức. (Nguồn ảnh: Viện Giám sát)
Ủy viên Vương Ấu Linh chỉ ra rằng, hiện tại việc thuê dùng ngư dân nước ngoài ngoài lãnh thổ Đài Loan không được áp dụng theo Luật lao động, nên trước tiên cần phải thiết lập tiêu chuẩn tối thiểu đáp ứng các tiêu chuẩn về nhân quyền và các điều kiện lao động không nên hoàn toàn do cơ chế thị trường xác định. Các quy định hiện hành cần được sửa đổi để đưa luật lao động và Công ước C188 xích lại gần nhau hơn. Về vấn đề tiền lương, nên tăng dần lương theo cơ chế điều chỉnh lương cơ bản, thực hiện nguyên tắc “trả lương trực tiếp”, về thời giờ làm việc, nên hướng dẫn chủ sử dụng kết hợp công nghệ với chấm công, ghi chép giờ làm việc chính xác để đảm bảo ngư dân được nghỉ ngơi đầy đủ.
Về vấn đề bảo hiểm xã hội, do ngư dân người nước ngoài làm việc ngoài lãnh thổ Đài Loan chỉ có bảo hiểm thương mại không dưới 1 triệu Đài tệ nên không đủ tính đảm bảo an toàn, một khi xảy ra tai nạn, chủ sử dụng vẫn phải bồi thường cho ngư dân, do đó, đề nghị nên được đưa vào trong bảo hiểm xã hội. Về bảo vệ và bồi thường tai nạn lao động, theo Công ước C188, với trường hợp tàu cá có chiều dài trên 24 mét, hoặc tàu thường ở trên biển trên 3 ngày, chủ tàu cá cần lập phương án phòng ngừa tai nạn lao động. Công ước cũng quy định rằng ngư dân phải được điều trị y tế thích hợp và được bồi thường tương ứng theo quy định pháp luật hiện hành.
Đài Loan nỗ lực bảo về nhân quyền và cải thiện môi trường sống, làm việc cho ngư dân người nước ngoài. (Nguồn ảnh: Pixabay)
Đối với việc trang bị thiết bị an toàn và huấn luyện đào tạo cơ bản, Công ước C188 quy định chủ tàu cá phải cung cấp quần áo và thiết bị bảo hộ cá nhân phù hợp cho ngư dân trên tàu, đảm bảo rằng ngư dân được huấn luyện đào tạo cơ bản về an toàn được cơ quan có thẩm quyền công nhận và đảm bảo rằng ngư dân trước khi sử dụng các thiết bị bảo hộ hoặc làm việc phải có kiến thức và sự hiểu biết nhất định về nội dung công việc đó và cách sử dụng các thiết bị. Theo đánh giá của Liên minh Châu Âu, ngành thủy sản là ngành có rủi ro về an toàn lao động cao nhất, trong quá trình điều tra của Viện Giám sát đã phát hiện nhiều ngư dân không có đủ quần áo bảo hộ lao động, do đó, điểm này cũng phải tăng cường thảo luận, tìm hiểu và hợp tác để thống nhất chính sách bảo vệ nhân quyền của ngư dân người nước ngoài, cùng nhau cải thiện quyền lợi và môi trường sống, làm việc của ngư dân.