Stress nơi công sở có thể dẫn tới trầm cảm nên mỗi người cần tự cân bằng cuộc sống, cho bản thân được nghỉ ngơi và phục hồi.
Năm 2017, Eileen Wee bị thiếu nhân sự và phải đảm nhận công việc của một vài người trong suốt 8 tháng. Là nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành một công ty tổ chức sự kiện và quan hệ công chúng ở Singapore, ngày nào cũng vậy, bà làm việc liên tục từ lúc thức dậy cho đến lúc đi ngủ.
Một ngày, Wee nhận ra lịch trình dày đặc của mình đã tác động tiêu cực đến sức khỏe. Bà bị khó thở, tim đập nhanh và rối loạn giấc ngủ. Cuối năm 2017, Wee đi khám và được bác sĩ khuyến cáo chăm sóc tốt hơn cho bản thân.
Wee chính là ví dụ điển hình cho hội chứng kiệt sức nơi công sở. Tháng 5/2019, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa hội chứng này vào danh sách các vấn đề y tế cần can thiệp, trong đó định nghĩa kiệt sức nơi công sở là stress mạn tính ở nơi làm việc, không thể quản lý và dẫn đến kiệt sức, suy nghĩ tiêu cực và hoài nghi về công việc, giảm hiệu quả chuyên môn.
Theo tiến sĩ Adrian Low Eng-ken, nhà tâm lý học ở Hong Kong từng tiến hành nghiên cứu về stress nơi công sở, kiệt sức nơi công sở là một dạng rối loạn năng lượng, hệ quả của việc phải chịu đựng quá nhiều stress ở nơi làm việc mà không có cơ hội nghỉ ngơi, phục hồi.
Nghiên cứu của tiến sĩ Low chia stress công sở thành 8 loại: stress thể chất, stress liên quan đến nhiệm vụ, stress vai trò, stress xã hội, stress liên quan đến lịch trình, stress liên quan đến sự nghiệp, stress liên quan đến sang chấn và stress môi trường. Nếu phải nhận quá nhiều vai trò ở công ty (stress vai trò), gặp khó khăn với thời gian hoàn thành công việc (stress liên quan đến lịch trình) và không nghĩ rằng những gì mình đang làm là lý tưởng (stress liên quan đến sự nghiệp), bạn sẽ có nguy cơ bị kiệt sức nơi công sở. Không được can thiệp, tình trạng này có thể dẫn đến trầm cảm, một vấn đề sức khỏe tâm thần nghiêm trọng.
Joanne Wong Chung-yan, chuyên gia tâm lý tại trung tâm Zhi Holistic Kinesiology, Sydney (Australia) nhiều lần làm việc với người căng thẳng cực độ do công việc. Bà cho biết các triệu chứng phổ biến nhất là lo âu, mất khả năng sáng tạo, rối loạn kinh nguyệt và bệnh phụ khoa, đau đầu hoặc đau nửa đầu, huyết áp cao, eczema và khô da, đau cổ và đau vai mạn tính, vấn đề tiêu hóa, đau lưng dưới.
Tất nhiên, không phải ai bị căng thẳng liên quan đến việc cũng chuyển thành kiệt sức nơi công sở bởi mỗi người lại có cách đối phó khác nhau với stress. Một số cá nhân tích cực hóa stress nhờ khả năng quản lý thời gian, quan hệ tốt với đồng nghiệp và nhìn ra ý nghĩa, mục đích của công việc.
Theo tiến sĩ Low, để phòng tránh hội chứng kiệt sức nơi công sở, chỉ cân bằng giữa cuộc sống cá nhân và công việc là chưa đủ. Mỗi cá nhân cần tìm thấy cảm giác được thuộc về cũng như ý nghĩa, mục đích trong công việc của mình. Bên cạnh chăm sóc bản bản thân cả về thể chất lẫn tinh thần, bạn cần tự đánh giá 8 loại stress ở nơi làm việc bằng cách hỏi bản thân những câu hỏi như: "Tại sao tôi lại làm nhiều việc hơn khả năng của mình", "Giá trị bản thân của tôi có phù hợp với giá trị của công ty không", "Liệu công ty tôi có coi trọng máy móc hơn các mối quan hệ không".
Theo bà Wong, có năm việc cần làm để giảm thiểu rủi ro kiệt sức nơi công sở, bao gồm:
Bắt đầu buổi sáng bằng một buổi thiền ngắn để kết nối với cảm xúc của bản thân và xác định mục tiêu trong ngày.
Giờ nghỉ trưa là thời gian ăn uống và nghỉ ngơi, không nên đặt lịch làm việc. Bạn cũng không nên ăn tại bàn làm việc.
Nếu cảm thấy quá căng thẳng trong giờ làm, hãy đứng lên và đi dạo. Thay vì kìm nén, hãy cho phép cơ thể cảm nhận cảm xúc của mình.
Khi có mâu thuẫn cần giải quyết, đừng bước vào cuộc tranh luận với suy nghĩ áp đặt rằng đối phương rất xấu mà hãy cố gắng cởi mở, bình tĩnh lắng nghe.
Thường xuyên hít thở sâu để kiểm soát căng thẳng.
Để lấy lại sức khỏe, Wee nghỉ phép 9 tháng. Đó là kỳ nghỉ dài đầu tiên của bà sau 10 năm làm quản lý. Hiện nay, Wee đã trở lại công việc và cảm thấy tốt hơn bao giờ hết. Bà chú ý hơn đến cách đối xử với bản thân. Mỗi sáng, Wee dậy sớm, đi dạo với chồng. Bà cũng thiền, đọc sách và học chơi đàn guitar.
Bên cạnh đó, Wee chuyển đến văn phòng mới được trang bị phòng gym, hồ bơi và cửa sổ nhìn ra vùng vịnh. Nữ giám đốc cho biết: "Chúng tôi dành một bức tường cho nhân viên dán các ý tưởng. Công ty cho phép làm việc linh hoạt và khuyến khích nhân viên về sớm vào tối thứ sáu. Trong những đợt cao điểm, chúng tôi thường xuyên hỏi thăm để đảm bảo tất cả nhân viên đều được hỗ trợ".
"Làm việc chăm chỉ là điều rất quan trọng nhưng chịu đựng stress suốt thời gian dài không hề tốt cho sức khỏe của bạn", Wee nói thêm. "Hãy tìm ý nghĩa trong những việc mình làm, đam mê công việc của bản thân, tận hưởng những kỳ nghỉ và tự xây dựng thú vui bên ngoài nơi làm việc".
https://vnexpress.net/suc-khoe/lam-the-nao-de-vuot-qua-stress-noi-cong-so-3953873.html