【Thời báo Di dân mới toàn cầu】/ Người nước ngoài ở Đài Loan được phép đăng ký đặt lịch để tiêm phòng vắc-xin ngừa COVID-19, nhưng tuy nhiên vẫn còn rất nhiều người nước ngoài không dám tiêm phòng vì lo ngại các tác dụng phụ cũng như quyền lợi cá nhân có được đảm bảo. Kể từ năm 1987, Đài Loan đã thiết lập “Cơ chế cứu trợ nạn nhân tiêm phòng”, bao gồm cả lao động di trú và di dân mới cũng nằm trong phạm vi áp dụng của cơ chế này, sau khi tiêm phòng có xuất hiện các phản ứng bất thường hoặc có các thương tổn khác thì đều có thể thông qua “Cơ chế cứu trợ nạn nhân tiêm phòng” để xin bồi thường. Tuy nhiên các giấy tờ liên quan khi xin trợ cấp bồi thường chủ yếu được viết bằng tiếng Hoa nên người lao độngdi trú vẫn cần phải nhờ đến sự hỗ trợ của chủ sử dụng hoặc công ty môi giới.
Di dân mới, lao động di trú cũng có thể xin trợ cấp bồi thường theo “Cơ chế cứu trợ nạn nhân tiêm phòng” của Đài Loan. (Nguồn ảnh:《聯合報》)
Bộ Y tế Đài Loan cho biết, bất kỳ ai “nghi ngờ là nạn nhân của việc tiêm chủng vắc-xin đã được Đài Loan kiểm định hoặc được xét duyệt bằng văn bản” thì đều có thể gửi đơn xin trợ cấp bồi thường. Người chưa đủ tuổi vị thành niên phải có người đại diện hợp pháp đứng ra nộp đơn hộ. Nếu nạn nhân bị nghi là đã chết, thì người thừa kế hợp pháp sẽ đứng ra nộp đơn hộ. Nạn nhân có thể nộp đơn xin bồi thường cho cơ quan có thẩm quyền trong vòng hai năm kể từ khi biết "có phản ứng bất thường sau khi tiêm chủng vắc-xin", hoặc trong vòng năm năm kể từ khi xảy ra phản ứng phụ ảnh hưởng đến sức khỏe.
Xem thêm: Đài Bắc hướng dẫn con em của di dân mới tìm hiểu quy trình bỏ phiếu trưng cầu dân ý
Người nộp đơn có thể đến quầy phục vụ của Cục Y tế nơi đã tiêm vắc-xin để nộp hồ sơ xin trợ cấp bồi thường, hoặc đăng nhập thông tin cá nhân của mình lên預防接種受害救濟案件登錄網頁 (Trang web Ghi chép các trường hợp cứu trợ cho nạn nhân tiêm vắc-xin) sẽ có nhân viên y tế công cộng liên lạc với bạn để hoàn tất thủ tục đăng ký. Khi nộp đơn, bạn phải chuẩn bị đầy đủ "Đơn xin cứu trợ nạn nhân tiêm phòng vắc xin" (預防接種受害救濟申請書), bản sao giấy tờ tùy thân của nạn nhân. Nếu do người đại diện pháp lý hoặc người thừa kế làm đơn xin trợ cấp bồi thường thì cần nộp kèm bản sao hộ khẩu để chứng minh về mối quan hệ với nạn nhân, bản sao giấy chứng nhận tiêm chủng cũng như các giấy tờ bằng chứng khác như giấy chẩn đoán của cơ sở y tế, giấy chứng tử, giấy xác nhận thương tổn, báo cáo khám nghiệm pháp y, bảng đánh giá tình trạng sức khỏe trước khi tiêm chủng, ảnh chụp các phản ứng phụ...
Người nộp đơn có thể đến quầy phục vụ của Cục Y tế nơi đã tiêm vắc-xin để nộp hồ sơ xin trợ cấp bồi thường, hoặc đăng nhập thông tin cá nhân của mình lên trang web Ghi chép các trường hợp cứu trợ cho nạn nhân tiêm vắc-xin. (Nguồn ảnh: Bộ Y tế và Phúc lợi)
Sau khi các tài liệu được nộp cho Cục Y tế, " Viện Công nghệ sinh học và Công nghiệp Y học (IBMI)", một đơn vị do Bộ Y tế ủy quyền, sẽ tiếp nhận các công việc thẩm định, và sau đó Đội Đánh giá cứu trợ nạn nhân tiêm phòng của Bộ Y tế và Phúc lợi sẽ triệu tập một cuộc họp để thông qua kết quả thẩm định. Các thành viên của đội gồm 19 đến 25 chuyên gia trong nước về y học, sức khỏe, giải phẫu và pháp y và các chuyên gia lĩnh vực công bằng xã hội. Thời gian xét duyệt mỗi hồ sơ sẽ không giống nhau, tùy theo mức độ phức tạp của ca bệnh, trung bình khoảng 6 tháng sẽ có kết quả, Bộ Y tế sẽ đưa ra thông báo bằng văn bản chính thức.
Xem thêm: Đài Bắc và Tân Bắc nới lỏng quy định thăm thân trong các cơ sở chăm sóc điều dưỡng dài hạn
Các khoản thanh toán cứu trợ nạn nhân tiêm chủng được chia thành nhiều loại khác nhau như "trợ cấp tử vong", "trợ cấp tàn tật", "trợ cấp cho những căn bệnh nghiêm trọng do phản ứng phụ gây ra", "trợ cấp mai táng", "trợ cấp y tế", v.v., tùy thuộc vào tình trạng của mỗi trường hợp và kết quả xét duyệt, cao nhất có thể được trả đến 6 triệu Đài tệ. Nếu kết quả thẩm định không phù hợp với điều kiện trợ cấp bồi thường, người nộp đơn có thể gửi hồ sơ kiến nghị đến Bộ Y tế và Phúc lợi trong vòng 30 ngày sau khi nhận được văn bản chính thức về kết quả thẩm định.
Nếu xảy ra các phản ứng phụ nghiêm trọng hoặc các thương tổn khác thì lao động di trú căn cứ theo quy định hiện hành của “Cơ chế cứu trợ nạn nhân tiêm phòng” để nộp hồ sơ xin trợ cấp bồi thường. (Nguồn ảnh: Bộ Y tế và Phúc lợi)
Bộ Lao động chỉ ra rằng, nếu lao động di trú xảy ra các phản ứng bất lợi sau khi tiêm chủng, chủ sử dụng hoặc các công ty môi giới nên hỗ trợ lao động di trú điều trị y tế càng sớm càng tốt. Nếu xảy ra các phản ứng phụ nghiêm trọng hoặc các thương tổn khác thì lao động di trú căn cứ theo quy định hiện hành của “Cơ chế cứu trợ nạn nhân tiêm phòng” để nộp hồ sơ xin trợ cấp bồi thường. Có thể thấy “Cơ chế cứu trợ nạn nhân tiêm phòng” của Đài Loan vô cùng kiện toàn và đảm bảo nên kêu gọi lao động di trú cũng như người nước ngoài đang sinh sống tại Đài Loan có thể yên tâm và mạnh dạn đăng ký tiêm phòng vắc-xin ngừa COVID-19. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào khác, vui lòng gọi đường dây nóng 1922 hoặc liên hệ với Cục Y tế các huyện thị để được giải đáp.