Dưới đây là một vài ghi nhận về tình hình việc làm, kinh doanh, mưu sinh của người dân bị ảnh hưởng do dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán COVID-19.
Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho biết, đến thời điểm này toàn ngành có hơn 23.000/35.000 lao động của 800 doanh nghiệp du lịch bị tạm thời mất việc, trong đó hơn 1.000 lao động khối lữ hành, 4.000 hướng dẫn viên, 18.000 lao động khối dịch vụ (khách sạn, vận chuyển, điểm đến).
chị Nguyễn Thị N. thường thuê góc nhỏ mặt tiền gần một trường tiểu học tại quận Hà Đông để bán hàng ăn và nước uống. Ban đầu, dù trường đóng cửa chị cũng mở quán để kinh doanh. Song việc buôn bán chỉ kéo dài vỏn vẹn được tuần đầu rồi phải nghỉ vì… quá ế. Tìm hiểu được biết, hiện sinh viên, học sinh trên địa bàn Thủ đô đều được nghỉ học. Thời gian nghỉ học tránh dịch kéo dài, kết hợp với kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán 2 tuần, đồng nghĩa suốt thời gian qua, lượng khách hàng mang lại thu nhập chính cho các hộ kinh doanh nhỏ lẻ như chị N. không còn.
Vì ảnh hưởng của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona, các điểm du lịch tại TP.HCM bị giảm khoảng 50% lượng du khách so với ngày thường. Chợ Bến Thành cũng không ngoại lệ, cảnh ế ẩm, hàng quán vắng ngắt khiến tiểu thương chỉ biết ngồi“tám" chuyện hoặc bấm điện thoại“giết”thời gian.
Công việc chạy taxi của anh Mạnh Hưng (Q.4) bị ảnh hưởng bởi lượng khách đi lại dạo gần đây ít hẳn. Hằng ngày, trong lúc chờ khách, anh phụ vợ bán hủ tiếu trước con hẻm nhà mình.
Anh Trung Hải làm tại một công ty chuyên tổ chức sự kiện cho biết những năm trước sau tết thường có rất nhiều hợp đồng quảng bá các sản phẩm, nhưng cả tháng nay hầu như không có sự kiện nào được diễn ra vì phòng chống dịch bệnh COVID-19. Phần lớn các công ty truyền thông sự kiện cho nhân sự làm việc tại nhà để giảm chi phí ở văn phòng. Còn những lao động thời vụ thì xem như thất nghiệp hoàn toàn.
Phương, cô giáo trẻ mới vào nghề cách đây 7 tháng, kể: "Sau tết đứng lớp được chừng 2 ngày thì học sinh được cho nghỉ tới giờ, trường đóng nên tôi cùng với mấy cô giáo bàn nhau bán nước sâm, bán nước rửa tay và bán cả giày dép vào buổi chiều để có thu nhập"."Học trò không đi học, trường không có nguồn thu nên chúng tôi cũng không có yêu cầu gì với nhà trường. Chỉ mong dịch bệnh qua mau, mọi việc ổn định để học trò lại đến trường" - cô Phương nói thêm.
Nguồn: tổng hợp