Ngày 13/8 vừa qua, Trung tâm Chỉ huy và phòng chống dịch bệnh Trung ương Đài Loan đã ra thông báo đã phát hiện trường hợp đầu tiên nhập cảnh từ nước ngoài vào Đài Loan bị nhiễm biến chủng SARS-CoV-2 B.1.621 (biến chủng Colombia). Hiện loại biến chủng này đã lây lan sang ít nhất 28 quốc gia và trong số những người bị nhiễm biến chủng này thì phần đông đều đã được tiêm phòng. Điều này làm dấy lên lo ngại rằng phải chăng loại biến chủng này có thể kháng lại các loại vắc-xin hiện có. Dưới đây là một số thông tin về biến chủng SARS-CoV-2 B.1.621 (biến chủng Colombia) do【Thời báo Di dân mới toàn cầu】tổng hợp để quý vị độc giả có thêm thông tin về loại biến chủng mới này, cũng như có thể tiến hành so sánh xem biến chủng B.1.621 và biến chủng Delta thì loại nào nguy hiểm hơn.
Xem thêm: Quy định mới về phép xin nghỉ không lương cho cha mẹ chăm con nhỏ với thời gian dưới 6 tháng
Biến chủng SARS-CoV-2 B.1.621 (biến chủng Colombia) đã xuất hiện ở 28 quốc gia. (Nguồn ảnh: kho ảnh Pixabay)
- Biến chủng SARS-CoV-2 B.1.621 (biến chủng Colombia) là gì?
Biến thể Colombia, được cho là nguyên nhân gây ra 7 cái chết mới đây trong viện dưỡng lão ở Bỉ, đã được phát hiện lần đầu tiên ở Colombia vào tháng 1/2021. Với tên khoa học chính thức là B.1.621, mức độ nguy hiểm do biến thể này gây ra chưa nghiêm trọng đến mức được đặt tên bằng chữ cái Hy Lạp, nhưng nó cũng đã có mặt tại 34 quốc gia. Ngay cả Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng chưa liệt kê biến thể Colombia vào danh sách "cần quan tâm", như biến thể Delta, hoặc "cần theo dõi", như Lambda. Diễn tiến của biến chủng này, kể từ cuối tháng 5/2021 đến nay vẫn là đối tượng cần "tăng cường giám sát", do chưa đủ dữ liệu để biết mức độ lây nhiễm và nguy hiểm thực sự. Tuy nhiên, Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh châu Âu đã liệt kê B.1.621 như một biến thể “cần quan tâm”, có nghĩa là các dữ liệu hiện tại tuy ít nhưng cũng cho thấy khả năng lây truyền ở mức độ nghiêm trọng. Biến chủng này mang một số đột biến, đặc biệt là E484K, N501Y và D614G, có liên quan đến việc giảm khả năng bảo vệ miễn dịch.
- Biến chủng SARS-CoV-2 B.1.621 (biến chủng Colombia) đã xuất hiện ở 28 quốc gia
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể B.1.621 được xác định là ở Colombia vào tháng Giêng. Kể từ đó, nó đã được ghi nhận ở 28 quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau, bao gồm ở Mỹ (592 trường hợp), Bồ Đào Nha (56), Nhật Bản (47), Thụy Sĩ (41) và Ấn Độ (23). Tính đến ngày 4.8, có 37 ca nhiễm B.1.621 được phát hiện tại Anh.
Hiện chưa có nghiên cứu khoa học nào cho thấy biến chủng B.1.621 nguy hiểm hơn chủng Delta nhưng cảnh báo về B.1.621 vẫn "đáng lưu tâm". (Nguồn ảnh: kho ảnh Pixabay)
- Biến chủng SARS-CoV-2 B.1.621 (biến chủng Colombia) có nguy hiểm hơn biến chủng Delta?
Theo trang thanhnien.vn cho biết, Dịch vụ Y tế công cộng Anh (PHE) nhấn mạnh dữ liệu về biến chủng này còn rất hạn chế và cần nghiên cứu thêm. Bên cạnh đó, chưa có bằng chứng cho thấy B.1.621 lây lan dễ hơn biến chủng Delta. Cũng chưa có nghiên cứu khoa học nào cho thấy biến chủng này nguy hiểm hơn chủng Delta (đang chiếm đa số tại Mỹ) nhưng cảnh báo về B.1.621 vẫn "đáng lưu tâm". Cũng trong thông báo mới, PHE cho hay các kết quả nghiên cứu ban đầu cho thấy người đã tiêm đủ liều vắc xin vẫn có khả năng lây lan virus như người chưa tiêm nếu bị nhiễm biến chủng Delta. Theo PHE, tải lượng virus trong người đã tiêm vắc xin và nhiễm biến chủng Delta có thể tương đương với người chưa tiêm. Phát hiện này cũng tương tự như báo cáo mới đây của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh của Mỹ. Tuy nhiên, PHE nhấn mạnh đây chỉ là phân tích sơ bộ ban đầu và cần nghiên cứu thêm để có thể khẳng định khả năng này. Theo PHE, trong số các ca nhiễm biến chủng Delta nhập viện tại Anh từ ngày 19.7, có 55,1% là người chưa tiêm vắc xin Covid-19 và có đến 34,9% là người đã tiêm đủ 2 liều.