Khoai lang và khoai tây đều cung cấp nhiều chất dinh dưỡng như chất xơ, vitamin C, chất chống oxy hóa... Vậy khoai lang có thực sự tốt hơn khoai tây?
Khoai lang và khoai tây đều là rau củ có rễ, nhưng chúng khác nhau về hình dáng và hương vị. Chúng xuất phát từ các họ thực vật riêng biệt, cung cấp các chất dinh dưỡng khác nhau và ảnh hưởng đến lượng đường trong máu theo những cách khác nhau.
Khoai lang thuộc họ bìm bìm (Convolvulaceae), còn khoai tây trắng thuộc họ cà (Solanaceae). Phần ăn được của những loại cây này là củ mọc trên rễ.
Khoai lang thường có vỏ nâu và thịt màu cam nhưng cũng có các giống màu tím, vàng và đỏ. Khoai tây thường có màu nâu, vàng và đỏ, với phần thịt màu trắng hoặc vàng.
Cả hai đều bổ dưỡng
Theo Healthline, khoai lang thường được quảng cáo là lành mạnh hơn khoai tây trắng, nhưng thực tế, cả hai loại đều có thể rất bổ dưỡng.
Trong khi khoai tây và khoai lang có hàm lượng calo, protein và carbohydrate tương đương nhau, khoai tây trắng cung cấp nhiều kali hơn, còn khoai lang lại cực kỳ giàu vitamin A.
Cả hai loại khoai đều chứa các hợp chất thực vật có lợi. Khoai lang, bao gồm cả các loại màu đỏ và tím, rất giàu chất chống oxy hóa giúp chống lại tổn thương tế bào trong cơ thể do các gốc tự do gây ra.
Khoai tây chứa các hợp chất gọi là glycoalkaloid, đã được chứng minh là có tác dụng chống ung thư và mang lại nhiều lợi ích khác trong các nghiên cứu ống nghiệm.
Cả hai loại khoai lang và khoai tây đều giàu chất xơ, carbohydrate, vitamin B6 và vitamin C. Khoai tây có hàm lượng kali cao hơn, trong khi khoai lang cung cấp nhiều vitamin A hơn.
Các chỉ số đường huyết khác nhau
Khoai tây và khoai lang khác nhau về chỉ số đường huyết (GI), là thước đo về cách một loại thực phẩm ảnh hưởng đến lượng đường trong máu. Thực phẩm có GI cao (từ 70 trở lên) làm tăng nhanh lượng đường trong máu, trong khi thực phẩm có GI trung bình (56-69) hoặc GI thấp (55 trở xuống) ít tác động hơn.
Tùy thuộc vào loại và quy trình nấu, khoai lang có thể có GI từ 44 đến 94. Khoai lang nướng có xu hướng có GI cao hơn nhiều so với khoai lang luộc vì quá trình gelatin hóa tinh bột trong khi nấu. GI của khoai tây cũng khác nhau, ví dụ khoai tây đỏ luộc có GI là 89, trong khi khoai tây Russet nướng có GI lên đến 111.
Những người bị tiểu đường hoặc gặp vấn đề về đường huyết có thể hưởng lợi từ việc hạn chế thực phẩm có GI cao. Do đó, người bệnh thường được khuyên chọn khoai lang thay vì khoai tây trắng, vì khoai lang thường có GI thấp hơn.Ăn khoai lang sống cũng mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe (Ảnh: Maxres).
Cả hai đều phù hợp với chế độ ăn uống cân bằng
Cả khoai lang và khoai tây đều cung cấp chất xơ, vitamin, khoáng chất, carbohydrate, và có thể phù hợp với chế độ ăn uống cân bằng. Dù khoai lang có lợi thế về beta-carotene và vitamin A, cả hai loại khoai đều được coi là thực phẩm lành mạnh. Điều quan trọng là chế biến chúng một cách bổ dưỡng.