img
:::

Tăng cường các biện pháp quản lý việc học sinh đi xe điện đến trường

Tăng cường các biện pháp quản lý việc học sinh đi xe điện đến trường

Bước vào năm học mới 2020-2021, tình trạng học sinh (HS) bậc THCS, THPT sử dụng xe đạp điện, xe máy điện (sau đây gọi tắt là xe điện) đến trường rầm rộ trở lại. Mặc dù HS tự đi học bằng xe đạp điện ngày càng phổ biến nhưng ý thức tham gia giao thông rất hời hợt, nhiều em chạy xe điện rất nhanh nhưng không đội nón bảo hiểm theo quy định của pháp luật, bất chấp tín hiệu giao thông, luồn lách lấn làn ô tô. 

Để chấn chỉnh tình trạng này, nhà trường cần tăng cường giáo dục Luật Giao thông đường bộ để các em HS chấp hành đúng quy định khi lưu thông trên đường. Bên cạnh đó, phụ huynh cũng cần hướng dẫn con em mình các quy định pháp luật về giao thông, kỹ năng chạy xe an toàn trước khi giao xe cho các em tự đến trường.

Việc học sinh vi phạm trật tự ATGT, trách nhiệm lớn thuộc về gia đình trong việc giáo dục và định hướng cho con cái. Thực tế cho thấy, không có cơ quan, tổ chức nào thực hiện giám sát và quản lý các em tốt hơn chính gia đình của mình. Cùng với nhà trường, gia đình là nơi trực tiếp giám sát, quản lý, giáo dục để giúp các em có những định hướng đúng trong cuộc sống. Tuy vậy, thực trạng hiện nay đang cho thấy, việc giám sát, quản lý các em lại nằm ngoài“tầm”kiểm soát của gia đình. Nhiều bậc phụ huynh khi được hỏi đều có chung tâm sự: Hôm nào con thông báo đến trường đi học là biết vậy thôi, chứ gia đình còn phải lo làm kinh tế lấy đâu thời gian để theo sát các con từng bước. Bên cạnh đó, lại có không ít gia đình khá giả“chăm lo”, nuông chiều thái quá, con chưa đến tuổi được sử dụng xe mô tô nhưng vẫn bất chấp quy định mua xe mô tô cho con đến trường; con điều khiển xe mô tô không đội mũ bảo hiểm vẫn thờ ơ, không có biện pháp nhắc nhở. Chính sự nuông chiều và thờ ơ, buông lỏng quản lý nên nhiều gia đình đã vô tình tạo cơ hội cho con em sa đà chơi bời, tụ tập đua xe, trốn học chơi điện tử... đến khi nhà trường gửi thông báo đình chỉ học hay bị cơ quan chức năng xử lý, nhiều gia đình mới ngỡ ngàng...

Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định“xe máy điện là phương tiện cơ giới khi tham gia giao thông phải đăng ký và gắn biển số”nhưng cũng rất ít xe đăng ký gắn biển.

Đối với người điều khiển phương tiện, Điều 60 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định, người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích xi lanh dưới 50cm3 mà không cần giấy phép lái xe, nhưng thực tế HS dưới 16 tuổi vẫn vô tư chạy xe điện, xe gắn máy.

Theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia của Bộ GTVT, xe đạp điện có vận tốc tối đa không quá 25km/h, công suất không quá 250W, trọng lượng không quá 40kg; còn xe máy điện vận tốc không quá 50km/h, công suất không quá 4kW. Nhưng thực tế hầu hết xe đạp, xe máy điện đều nhập khẩu nên khó kiểm soát công suất; nhiều loại xe điện nhìn nhỏ gọn nhưng vận tốc, công suất rất lớn.

Thiết nghĩ, để hạn chế tình trạng học sinh vi phạm trật tự ATGT, quản lý việc học sinh đi xe điện đến trường, góp phần bảo đảm ATGT học đường, rất cần có sự chung tay của gia đình, nhà trường và xã hội, trong đó, ý thức chấp hành pháp luật của từng học sinh là điều hết sức quan trọng.

 

Nguồn: báo sggp

 

ảnh minh họa (ảnh từ internet

Nhiều học sinh đi xe đạp điện như

Tin hot

回到頁首icon
Loading