Mới đây, web-drama (phim chiếu mạng) cung đấu đầu tiên của Việt Nam có tên“Phượng khấu”lại được đi một nước cờ táo bạo, một cuộc chơi của những người yêu nghề. Họ sẵn lòng đầu tư kinh phí 19 tỷ đồng cho 11 tập, mỗi tập 45 phút.
Lên sóng từ đầu tháng 3, bộ phim nhanh chóng trở thành đề tài bàn tán trên các diễn đàn mạng xã hội. Trên fanpage có hơn 56.000 lượt thích, nhiều trích đoạn video được đăng tải thu hút hàng trăm nghìn lượt xem. Ngay khi tập 1 lên sóng, hệ thống phát hành POPS ghi nhận lượng người dùng đăng ký, truy cập tăng lên gấp 7 lần.
Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh chia sẻ ê-kíp đầu tư kỹ lưỡng từ khâu tiền kỳ. Hình ảnh phim đều được chăm chút kỹ càng, chính xác với lịch sử nhất có thể. Thậm chí, một số hiện vật thật cũng được sử dụng trong các cảnh quay như hai tấm sắc phong có niên đại 180 năm và một tấm còn lại 100 năm (ở đoạn mở đầu), tráp đồi mồi chứa mực chiếu (ở tập 1), thanh kiếm cổ thời Nguyễn (ở tập 6).
Anh Tôn Thất Minh Khôi (đại diện nhóm Thiên Nam Lịch đại Hậu phi), thuộc biên kịch phim cho biết, nhóm tham khảo ba nguồn sử liệu chính: Đại Nam Liệt truyện, Đại Nam Thực lục kỷ Thiệu Trị, Khâm định Đại Nam Hội điển Sự lệ về điển chế - trang phục. Ngoài ra, đoàn phim đã đi thực địa đến các văn bia tại Huế và tham khảo tài liệu của người Pháp. Nội dung phim còn được cố vấn lịch sử bởi GS. sử học Lê Văn Lan và nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần.
Trong khi đó anh Nguyễn Đức Lộc (Giám đốc Công ty Ỷ Vân Hiên), đơn vị tài trợ sản xuất trang phục trong phim tiết lộ, kinh phí cho khoảng hơn 200 bộ trang phục lên tới đến cả chục tỷ đồng.“Thực tế, mỗi bộ trang phục không phải được sản xuất theo dây chuyền mà là một sản phẩm riêng biệt. Mỗi nhân vật lại có bộ trang phục riêng như triều phục, thường phục, không bộ nào giống bộ nào. Trung bình, mỗi nhân vật chính khoảng 4-5 bộ. Ngoài ra còn sản xuất cho các nhân vật phụ như quan lại, binh lính, cung nữ, thái giám, chưa kể các phụ kiện như hia hài, áo, mũ...
Anh Đức Lộc cho biết thêm, hai bộ trang phục là Long bào Đại triều phục đi kèm mũ Cửu Long thông thiên và bộ Phượng bào đi kèm mũ Phượng quan là hai bộ trang phục tốn kém thời gian, công sức và kinh phí nhiều nhất. Dù nhận được sự cố vấn của nghệ nhân, nhà nghiên cứu mũ mão Vũ Kim Lộc, nhưng anh Đức Lộc thừa nhận ê-kíp của anh cũng đã phải làm đi làm lại rất nhiều lần. Bởi, chỉ cần 1 chi tiết nhỏ như con rồng, phượng chưa đạt đúng tỷ lệ yêu cầu, ê-kíp lại phải huỷ đi và đặt thợ làm lại.
Nguồn: baogiaothong