Ngày 10/9, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 53 (AMM 53) và các Hội nghị liên quan bước vào ngày làm việc thứ hai với nhiều nội dung quan trọng.
Theo đó, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN sẽ dự và tham gia thảo luận tại: Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Hoa Kỳ; Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Canada; Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Australia; Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-New Zealand; Đối thoại giữa Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN với các Đại diện Ủy ban liên Chính phủ ASEAN về Nhân quyền (AICHR); Đối thoại cấp Bộ trưởng ASEAN về tăng cường vai trò của phụ nữ đối với hòa bình và an ninh bền vững.
AMM 53 và các Hội nghị liên quan được tổ chức từ ngày 9/09 ~ 12/09/2020 theo hình thức trực tuyến - đây là lần đầu tiên Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN thường niên được tổ chức theo hình thức trực tuyến với sự tham gia của 27 đoàn thuộc 4 châu lục với các múi giờ khác nhau. Dự kiến, trong khuôn khổ Hội nghị, khoảng 40 văn kiện sẽ được xem xét, ghi nhận và thông qua. Cũng trong dịp này, các Bộ trưởng sẽ thông qua một số Kế hoạch mới cho giai đoạn 2021-2025 với các đối tác.
Đối thoại cấp Bộ trưởng ASEAN về tăng cường vai trò của phụ nữ đối với hòa bình và an ninh bền vững được tổ chức tiếp nối thành công từ Phiên họp đặc biệt của Cấp cao 36 về Phụ nữ. Đây là nỗ lực của Việt Nam trong vai trò Chủ tịch ASEAN nhằm thúc đẩy hợp tác đề cao vai trò phụ nữ, hòa bình và an ninh trong ASEAN với các đối tác, thiết thực triển khai Nghị quyết 1325 về Phụ nữ, hòa bình và an ninh của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhân kỷ niệm 20 năm thông qua Nghị quyết này.
AMM 53 và các Hội nghị liên quan là một trong những đợt Hội nghị quan trọng nhất trong năm Chủ tịch ASEAN 2020. Hội nghị diễn ra bối cảnh thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp bởi cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn, căng thẳng gia tăng ở một số điểm nóng; dịch COVID-19 diễn ra phức tạp với những làn sóng lây nhiễm mới gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống kinh tế - xã hội của các nước thành viên ASEAN.
Các thách thức đối với an ninh và ổn định ở khu vực luôn hiện hữu, trong đó có các nhân tố đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông, tuyến hàng hải huyết mạch của khu vực và thế giới. ASEAN sẽ kiên định với lập trường nguyên tắc, nhấn mạnh kiềm chế, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982, thúc đẩy đối thoại, tăng cường xây dựng lòng tin, không quân sự hóa, không làm phức tạp tình hình. ASEAN kiên định thúc đẩy triển khai đầy đủ, nghiêm túc Tuyên bố DOC và nỗ lực xây dựng Bộ quy tắc COC hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước Luật Biển UNCLOS 1982.
Nguồn: baotintuc