img
:::

Câu chuyện người mẹ di dân mới nuôi dưỡng cô con gái tự kỷ trở thành tài năng âm nhạc

Câu chuyện người mẹ di dân mới nuôi dưỡng cô con gái tự kỷ trở thành tài năng âm nhạc
Thời báo Tân di dân toàn cầu】Biên tập / Trịnh Đức Mạnh

Để bày tỏ sự cảm kích với những cống hiến của các bà mẹ di dân mới cho xã hội Đài Loan và gia đình của họ, vừa qua Sở Di dân đã lần đầu tiên tổ chức "Cuộc thi hát tạ ơn dành cho con em của di dân mới trên toàn quốc" tại Bảo tàng Câu chuyện nhân loại huyện Nghi Lan. Ông Chung Cảnh Côn – Giám đốc Sở Di dân đã đặc biệt đến tham dự và cổ vũ, khích lệ tinh thần cho các thí sinh và trao phần thưởng cho các thí sinh đoạt giải. Trong số các thí sinh tham gia cuộc thi hát lần này, có một cô bé tên là Lâm Hạnh Nhung, tuy chỉ mới 10 tuổi nhưng cô bé đến từ huyện Nghi Lan này đã rất xuất sắc thể hiện tài năng ca hát của mình và xứng đáng với danh hiệu "Tiểu diva dòng nhạc tiếng Đài", và mẹ của em là cô Lâm Tử Thanh đến từ Quảng Đông, đã cùng lên sân khấu với cô con gái để song ca ca khúc “Bàn tay của mẹ” và giành giải nhì. Cô Lâm Tử Thanh xúc động cho biết, đây là món quà tuyệt vời nhất mà dù có bao nhiêu tiền cũng không thể mua được.

Chia sẻ với biên tập viên của “Thời báo di dân mới toàn cầu”, di dân mới Lâm Tử Thanh cho biết, cô kết hôn qua Đài Loan từ năm 2009 và bắt đầu học tiếng Đài, hai năm sau thì cô sinh ra Lâm Hạnh Nhung. Năm 2013, cô đăng ký tham gia chương trình thi hát bằng tiếng Đài “超級紅人榜” trên đài truyền hình của Đài Loan, liên tiếp đứng đầu qua 9 vòng thi và trở thành di dân mới đầu tiên tham gia cuộc thi hát tiếng Đài. Lâm Hạnh Nhung cũng được thừa hưởng giọng hát hay của mẹ, em hay hát những ca khúc tiếng Đài thịnh hành, bài tủ của em chính là ca khúc "Bàn tay của mẹ" của ca sĩ Chiêm Nhã Văn. Hai mẹ con thường tham gia các buổi hòa nhạc từ thiện của địa phương tại Nghi Lan.

Lâm Hạnh Nhung được chẩn đoán mắc chứng tự kỷ và tăng động khi mới khoảng 2. Khi còn học tiểu học, em đã phải chuyển qua năm trường. Cô Lâm Tử Thanh cũng đã quyết định nghỉ việc để có thể dành nhiều thời gian chăm sóc cho cô con gái của mình. Mỗi ngày, sau khi thức dậy thì việc đầu tiên là cùng con gái chạy bộ, ổn định tâm trạng và hình thành thói quen tập thể dục thể thao. Cô Lâm Tử Thanh cũng tích cực tham gia các hoạt động dành cho những “thiên thần bay chậm” (những đứa trẻ mắc hội chứng tự kỷ), và tham gia vào "Hiệp hội chăm sóc thiên thần bay chậm An An". Cuộc sống và việc học tập của Hạnh Nhung dần đi vào nề nếp, thậm chí em còn tham gia lớp học “Viết thư pháp bằng bút máy” của Hiệp hội Chăm sóc phụ nữ và trẻ em Nghi Huyên của huyện Nghi Lan và từng đoạt giải quán quân cấp tiểu học toàn huyện, khiến cô Lâm Tử Thanh vô cùng tự hào. Cô Lâm Tử Thanh hiện cũng là một giáo viên dạy đàn Ukulele, hỗ trợ những gia đình di dân mới có con cái mắc chứng tự kỷ cùng học âm nhạc, hỗ trợ quá trình trưởng thành của con cái, đồng thời thắt chặt hơn nữa tình cảm gia đình.

Đối mặt với cô con gái mắc chứng tự kỷ, cô Lâm Tử Thanh luôn cố gắng đồng hành để khơi dậy tài năng âm nhạc của con. Đặc biệt là Hạnh Nhung còn tự sáng tác được một single mang tên "Two Cookies". Hai mẹ con thường xuyên mặc "đồ đôi" để tham gia các hoạt động khác nhau. Cô Lâm Tử Thanh cho biết, khi hai mẹ con mặc quàn áo giống nhau cùng tham gia các hoạt động sẽ khiến cho cô con gái của mình không cảm thấy đơn độc. Ông Chung Cảnh Côn – Giám đốc Sở Di dân cũng bày tỏ sự động viên khích lệ những bà mẹ, những gia đình có con mắc chứng tự kỷ không nên nhụt trí, chỉ cần kiên trì nhẫn nại dạy bảo thì những đứa trẻ đặc biệt đó cũng sẽ giống như Lâm Hạnh Nhung, đến một ngày nào đó cũng sẽ phát huy được tài năng cũng như được xã hội công nhận.

 

 

Tin hot

回到頁首icon
Loading