Tết Nguyên đán là ngày lễ truyền thống quan trọng nhất trong năm của dân tộc Việt Nam, để chào đón năm mới, người dân khắp nơi trên mọi miền đất nước đều tất bật mua sắm, chuẩn bị cho một cái Tết tươm tất, đầm ấm. Trong đó, không thể bỏ qua việc trang hoàng nhà cửa, bởi người Việt quan niệm cuối năm là dịp để “tống cựu nghênh tân”, tức là gạt bỏ những điều không may của năm cũ, đón chào một năm mới nhiều may mắn.
Tương tự như người Hoa, người Việt cũng thích dùng các đồ vật có màu đỏ hay vàng kim để trang hoàng nhà cửa. Ngoài ra, ở Việt Nam còn có 3 phong tục trang hoàng đặc biệt khác, không chỉ mang ý nghĩa tăng không khí Tết cho ngôi nhà, mà còn lưu giữ ý nghĩa văn hóa sâu xa, chúng ta hãy cùng đi tìm hiểu 3 phong tục này nhé!
- Dựng cây nêu để xua đuổi tà ma
Dựng cây nêu để xua đuổi tà ma là một tập tục vô cùng quan trọng. Bời vì ngày 23 tháng Chạp là ngày người dân tiễn ông Táo về trời, theo quan niệm dân gian trong khoảng thời gian không có thần bảo hộ, cần phải dựng lên một cây nêu cao khoảng 5,6 mét trước cửa, phía trên có thể treo lên miếng vải đó, túi trầu cau, sáo, kim loại... với ý nghĩa ngôi nhà này đã có gia chủ, phòng trừ tà ma vào nhà. Tuy nhiên, dưới sự phát triển của thời đại ngày nay, ngoài các vùng nông thôn còn lưu giữ tập tục này ra, tại thành phố đã không còn thường thấy người dân dựng cây nêu nữa.
- Bày mâm ngũ quả
Mâm ngũ quả là khái niệm để chỉ một mâm trái cây với khoảng năm loại hoa quả khác nhau thường được bày biện trong ngày Tết Nguyên Đán của người Việt. Mỗi loại trái cây trưng trên mâm ngũ quả thường mang một ý nghĩa khác nhau thông qua tên gọi, màu sắc của chúng cũng như cách sắp xếp. Mâm ngũ quả thường được chưng, bày trên bàn thờ tổ tiên hoặc trên bàn tiếp khách. Những loại trái cây này thường để thể hiện ước nguyện của gia chủ thông qua tên gọi và màu sắc cũng như cách sắp xếp chúng.
- Trưng hoa
Cũng giống như người Đài Loan trưng hoa ly hay hoa lan vào dịp Tết Nguyên Đán, hoa tươi ở Việt Nam cũng là lựa chọn được ưu tiên nhất. Người dân thường chọn những loại hoa có màu sắc hoặc phát âm mang ý nghĩa may mắn, trong đó hoa đào và hoa mai có ý nghĩa đặc trưng nhất. Theo truyền thuyết từ thời xa xưa, ma quỷ sợ hai vị thần sống trên cây hoa đào cổ thủ, vì vậy người xưa quan niệm chỉ cần chưng hoa đào trong nhà, là có thể cầu bình an. Phát âm của từ hoa mai cũng gần giống như may mắn, có thể đem đến nhiều vận may cho gia chủ.
Trên đây là những đặc trưng trong phong tục trang hoàng nhà cửa trong dịp Tết Nguyên đán tại Việt Nam. Thời báo Tân di dân toàn cầu xin kính chúc quý độc giả một năm mới mạnh khỏe, an lành.