Đài Loan và Việt Nam đều là những quốc gia có phong tục đón Tết Nguyên đán, nêu như ở Đài Loan, món Phật nhảy tường, rau trường thọ, bánh gạo nếp... là những món ăn truyền thống không thể thiếu trong bữa cơm ngày Tết, thì ở Việt Nam bánh chưng được xem như là món ăn đặc trưng của người Việt trong dịp đầu năm, bởi nguồn gốc và ý nghĩ đặc biệt của nó.
Để làm ra một chiếc bánh chưng vuông vức, đẹp đẽ không thể thiếu các nguyên liệu như lá dong, gạo nếp, đỗ xanh, thịt ba chỉ... Cách làm bánh chưng đòi hỏi vô cùng tỉ mẩn, nếp là nguyên liệu chính nên khi chọn lựa phải cực kì cẩn trọng, gạo nếp để gói bánh chưng ngon phải là loại nếp mùa hay nếp cái hoa vàng, hạt bóng mẩy và đều nhau, thịt lợn chủ yếu sẽ chọn thịt ba chỉ, còn lá dong sẽ phải lựa các lá còn tươi, không bị giòn và có độ dai nhất định, như vậy mới có thể làm ra bánh chưng ngon với màu xanh mướt mắt. Tuy nhiên, từ xưa tới nay, bánh chưng đã có nhiều thay đổi qua mỗi vùng miền từ hương vị tới hình dáng và công thức chế biến, điều này đã góp phần làm phong phú thêm hương vị cho món bánh chưng truyền thống ngày Tết Việt Nam.
Vào đêm giao thừa, bánh chưng được dùng để cúng bái tổ tiên trước, sau đó mới được dọn xuống để mọi người cùng thưởng thức. Bánh chưng thể hiện cho tinh thần “uống nước nhớ nguồn” của người dân Việt Nam, thể hiện sự biết ơn trời đất đã cho mưa thuận gió hòa, để mùa màng bội thu đem lại cuộc sống ấm no cho con người. Theo truyền thuyết kể lại, bánh chưng ra đời từ thời vua Hùng, được Lang Liêu sáng tạo nên. Từ đó bánh chưng được lưu truyền qua các thế hệ người Việt, từ ông bà, cha mẹ, các bậc lão niên tới các thế hệ, con cháu. Trong bữa cơm tất niên, cắn một miếng bánh, ngẫm nghĩ về những câu chuyện xa xưa của dân tộc, biết ơn và trân trọng những giá trị mà mình đang có ở hiện tại.