Bộ Y tế đã xây dựng bốn kịch bản đối phó với dịch viêm phổi cấp do virus SARS-CoV-2 (Covid-19). Trong đó giai đoạn 1 là phát hiện ca bệnh xâm nhập, giai đoạn 2 là từ ca xâm nhập lây lan sang người Việt Nam, giai đoạn 3 là khi dịch bệnh lây lan nhanh trong cộng đồng, dưới 1.000 ca mắc. Tình huống thứ 4 là khi số mắc trên 1.000 ca.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết, hiện nay dịch Covid-19 tại Việt Nam đã chuyển sang giai đoạn 3, khi dịch bệnh lây lan ra cộng đồng.
Trong giai đoạn trước Việt Nam chủ yếu ngăn chặn dịch Covid-19 từ bên ngoài xâm nhập vào (phát hiện ca bệnh xâm nhập, cách ly người nhập cảnh). Đầu tiên là áp dụng với Trung Quốc, tiếp theo là Hàn Quốc, Ý, Iran, sau đó đến toàn châu Âu và đến nay là với tất cả mọi quốc gia. Người bệnh được điều trị, cách ly tại cơ sở y tế.
Và thực tế, với chiến lược này Việt Nam đã làm rất tốt. Chính vì làm tốt giai đoạn đầu nên Việt Nam đã trì hoãn được thời gian dịch lây ra cộng đồng.
Việc tự cách ly tại nhà ít nhất 2 tuần sẽ giúp những người có triệu chứng nhẹ không biết mình mắc bệnh hoặc những người không triệu chứng có nguy cơ mắc bệnh không cơ cơ hội lây bệnh ra cộng đồng.
Phát biểu tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 chiều 1/4, Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng cho biết trong giai đoạn hiện nay việc thực hiện cách ly xã hội theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ rất quan trọng để ứng phó với tình huống dịch bệnh có thể lây lan mạnh trong khoảng 2 tuần tới.
Theo Thứ trưởng, bản chất cách ly xã hội có nghĩa là giãn cách xã hội. Người dân chỉ ra đường khi thực sự cần thiết và phải thực hiện các giải pháp bảo đảm an toàn dịch tễ theo khuyến cáo của Bộ Y tế, đó là cần giữ khoảng cách giữa người và người tối thiểu 2m, đeo khẩu trang.
“Trong hai tuần tới là thời điểm quan trọng để ngăn chặn dịch này”, Thứ trưởng Long khẳng định.
Nguồn: dantri