Lò vi sóng là thiết bị phổ biến trong bếp, nhưng không phải ai cũng hiểu rõ cách sử dụng đúng cách để đảm bảo an toàn và giữ chất lượng dinh dưỡng. Một trong những mối lo ngại khi dùng lò vi sóng là khả năng tiêu diệt vi khuẩn không đồng đều. Lò vi sóng làm nóng thức ăn không đều như lò nướng, nên một phần thức ăn có thể không đạt nhiệt độ đủ lâu để tiêu diệt vi khuẩn. Để khắc phục, cần tuân thủ đúng hướng dẫn, đảo và khuấy thức ăn khi hâm, và kiểm tra nhiệt độ bằng nhiệt kế thực phẩm.
Nhiều người cũng cho rằng việc nấu ăn bằng lò vi sóng làm mất dinh dưỡng, nhưng thực tế là bất kỳ phương pháp nấu nào cũng có thể làm mất chất dinh dưỡng nhạy cảm khi tiếp xúc với nhiệt độ cao. Theo Harvard Health Publishing, cách nấu giữ lại nhiều dinh dưỡng nhất là nấu nhanh, dùng ít nước và trong thời gian ngắn. Lò vi sóng đáp ứng được tiêu chí này và được coi là hiệu quả trong việc giữ lại dinh dưỡng, đặc biệt là khi nấu rau.
Một số người lo ngại việc sử dụng nhựa trong lò vi sóng có thể gây rò rỉ hợp chất như phthalates vào thức ăn. Theo FDA, có 9 loại phthalates được phép sử dụng trong bao bì thực phẩm và an toàn khi dùng trong lò vi sóng. Dù vậy, các nghiên cứu vẫn chưa chứng minh lượng vi nhựa rò rỉ từ việc hâm nhựa đủ gây hại cho sức khỏe con người. Có những loại nhựa an toàn khi dùng trong lò vi sóng - Ảnh: AFP
Lò vi sóng được thiết kế để giữ năng lượng bên trong. Nếu lò được bảo quản tốt, nguy cơ rò rỉ là rất thấp. Tổ chức Y tế Thế giới khẳng định rằng chỉ khi tiếp xúc lâu với lò bị hư hỏng, sóng điện từ mới có thể gây tổn thương nhiệt.
Khi sử dụng lò vi sóng, không nên bọc thực phẩm trong giấy bạc hay đồ đựng bằng kim loại để tránh tia lửa điện. Cũng không nên hâm nóng lại thực phẩm nhiều lần, đặc biệt là cơm, để tránh nguy cơ ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn.