Theo bài đăng trên Radio Taiwan International cho biết, từ tháng 4 năm 2020, nữ sinh trường Đài Bắc số 1 Hứa Tử Hàm do thấy tình hình dịch Covid 19 ở Indonesia khá căng thẳng, khiến cô thường lo lắng về cô bảo mẫu Dwi người Indonesia đã chăm sóc cô khi còn bé. Cô đã nhờ sự hỗ trợ của bà Liêu Vân Chương- Giám đốc chuyên trang bình luận Opinion của Tạp chí CommonWealth và anh Tony – người dẫn chương trình ban tiếng Indonesia của đài phát thanh quốc tế Rti, cùng sự hỗ trợ của truyền thông hai nước, thành công tìm lại được cô Dwi từ 270 triệu dân của Indonesia. Hơn nữa, thật diệu kỳ là vào ngày lễ của mẹ năm 2020, “hai mẹ con” cô đã có thể gọi video call cho nhau, với tín vật là cặp gấu bông mà họ đã tặng cho nhau từ 15 năm trước, cảnh tượng vô cùng xúc động.
Thấm thoát đã một năm qua đi, hiện Hứa Tử Hàm đang là sinh viên năm 1 khoa luật trường Đại học Đông Ngô, cô cho biết, một năm nay, cứ khoảng 1, 2 tuần cô lại liên lạc với cô Dwi một lần, vừa hay là trong trường cô có khoa ngôn ngữ Đông Nam Á, cô cũng đã đăng ký học tiếng Indonesia. Hứa Tử Hàm cho biết, cô Dwi trở về Indonesia đã một thời gian, nói tiếng Hoa không còn lưu loát, nội dung hai bên có thể trao đổi vô cùng có hạn, mà hiện nay cô Dwi không có điều kiện học tiếng Hoa, nên Hứa Tử Hàm quyết định đi học tiếng Indonesia. Khi biết tin này, Dwi đã cảm thấy rất ngạc nhiên, cô vừa vui lại vừa cảm động, chồng của cô cũng nói, sau này Dwi và Tử Hàm có thể dùng tiếng Indonesia để trò chuyện mà không cần phải nói tiếng Anh nữa.
Hứa Tử Hàm nói: “Gia đình cô Dwi mở cửa hàng tạp hóa, vì cách đây không lâu có hàng xóm bị nhiễm Covid19, nên việc làm ăn cũng bị ảnh hưởng, mọi người không mấy dám đến gần đó mua đồ, nên thời gian này cô khá vất vả”. Từ sau khi “gặp lại” được Hứa Tử Hàm, cô Dwi cho biết mình bỗng chốc trở nên nổi tiếng, lúc đó cũng có người dân Đài Loan bày tỏ muốn tuyển cô đến Đài Loan chăm con, cô Dwi cho hay, ở Indonesia cũng thường có người lạ chào hỏi cô.
Radio Taiwan International cho biết thêm, cô Dwi nói rằng: “Rất nhiều người nói, hình như tôi bỗng nhiên…, rất nhiều người dù không quen biết, cũng nói là muốn làm bạn với tôi”. Năm ngoái, khi Hứa Tử Hàm và cô Dwi tìm lại nhau, đài Rti và chuyên trang bình luận Opinion cũng đã hợp tác cùng với nhiều tổ chức khác để phát động chương trình “Tìm người mẹ thứ hai”, trong một năm nay đã nhận được 5 yêu cầu của những đứa trẻ hoặc người mẹ Đài Loan, chia sẻ câu chuyện về người bảo mẫu hay những đứa con đến từ Indonesia, Việt Nam mà họ vô tình để mất liên lạc. Như Hứa Tử Hàm nói, gần đây, cô ngoài học tiếng Indonesia, cô cũng đã cố gắng để giành được vị trí thực tập duy nhất của Hiệp hội Lao động quốc tế Đài Loan (TIWA) vào mùa hè năm nay. Cô nói, Hiệp hội TIWA có hỗ trợ cho các bạn lao động di trú thành lập Liên minh lao động Indonesia tại Đài Loan (IPIT) và Tổ chức Đoàn kết lao động Philippines (KASAPI), nên hi vọng có thể kết hợp những kiến thức mình học được cùng với những trải nghiệm này, để có thể hiểu hơn về cuộc sống và sự khó khăn của lao động di trú tại Đài Loan, có thể giúp đỡ cho họ, và cũng qua câu chuyện “đi tìm mẹ” này, để mọi người có một cuộc sống tốt hơn.