img
:::

Chuyến bay từ TP.HCM - Hà Nội cố ý kéo dài thêm tránh quá tải tại sân bay

Chuyến bay từ TP.HCM - Hà Nội cố ý kéo dài thêm tránh quá tải tại sân bay

Đây là chia sẻ của ông Dương Trí Thành, CEO của Vietnam Airlines, tại tọa đàm hàng không sáng 11/12, về việc hạ tầng hàng không đang không theo kịp tốc độ phát triển của ngành.

Tại "Tọa đàm Hàng không Việt Nam: Thách thức và cơ hội", ông Dương Trí Thành khẳng định việc thị trường hàng không phát triển nóng không phải là vấn đề định nghĩa mà nằm ở sức ép lên hạ tầng sân bay.

Quá trình nâng cấp, mở rộng, xây mới các sân bay đang không theo kịp quá trình phát triển nhanh của các hãng hàng không.

"Cứ mỗi chặng của chuyến bay Hà Nội - TP.HCM lại dài thêm 5 phút, nguy cơ chậm chuyến sẽ ngày càng lớn, ảnh hưởng đến chất lượng và tính kinh tế", ông Thành chia sẻ.

Lãnh đạo Hãng hàng không quốc gia cũng bày tỏ mong muốn hạ tầng hàng không được cải thiện trong tương lai gần. Bên cạnh đó, vấn đề thiếu hụt phi công và nhân lực trình độ cao ngành hàng không cũng được vị này đề cập.

Đồng tình với ông Thành, ông Lại Xuân Thanh, CEO của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), cho hay toàn hệ thống sân bay đang khai thác vượt xa công suất thiết kế, minh chứng cho sự quá tải của hạ tầng.

Lãnh đạo ACV cũng chia sẻ khó khăn nằm ở hạ tầng khu bay, trong khi khu bay lại nằm ngoài kiểm soát của doanh nghiệp, dẫn đến điểm nghẽn về cơ chế.

Ông Thanh cho hay giải ngân năm 2019 của ACV tiếp tục thấp vì không được thông qua đầu tư dự án lớn nào. Giải ngân thấp lý giải lượng tiền mặt khổng lồ hơn 32.000 tỷ đồng của ACV đang gửi tại ngân hàng.

Tại tọa đàm, Cục trưởng Hàng không Việt Nam ông Đinh Việt Thắng cho hay trong giai đoạn 2008-2019, ngành hàng không Việt Nam tăng trưởng bình quân 17,1%/năm về lượng khách và 13,8% về lượng hàng hóa. Ông đánh giá đây là tốc độ tăng trưởng nhanh, nhưng không nóng vì vẫn nằm trong kiểm soát của nhà chức trách.

Trước đó tại một tọa đàm khác về hàng không ngày 9/12, nhiều chuyên gia và đại diện cơ quan chức năng đã bàn luận về sự bế tắc trong việc huy động nguồn lực tư nhân vào phát triển hạ tầng hàng không.

Trong khi nhiều doanh nghiệp tư nhân muốn tham gia đầu tư sân bay theo hình thức hợp tác công tư (PPP) hay BOT, nhiều dự án lớn như nhà ga T3 Tân Sơn Nhất hay siêu sân bay Long Thành sau 4-5 năm bàn luận lại quay trở về giao cho doanh nghiệp nhà nước, cụ thể là ACV. 

Hiện theo thống kê của nhiều đơn vị độc lập, đường bay TP.HCM - Hà Nội thường xuyên vào nhóm 3 đường bay bận rộn nhất thế giới, thậm chí lên vị trí thứ 2 thế giới vào những giai đoạn cao điểm.

Theo số liệu từ CTCP Phục vụ mặt đất Sài Gòn (SAGS), mỗi máy bay phải mất khoảng 25-40 phút để xếp hàng chờ được cất cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất.

Hiện nay, số lượt chuyến bay cất hạ cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất trung bình đạt hơn 700 chuyến bay/ngày, cá biệt dịp cao điểm lên tới gần 900 chuyến/ngày. Năng lực thông qua đường cất hạ cánh đang được điều phối 44 chuyến bay/giờ, tức trung bình cứ 1 phút 20 giây lại có một máy bay cất hoặc hạ cánh.

news.zing.vn

Hình minh họa từ Pixabay

Tin hot

回到頁首icon
Loading