Các nhà khoa học đã phát hiện rằng loài kiến thợ mộc Florida (Camponotus floridanus) có khả năng "phẫu thuật" và làm sạch vết thương để ngăn ngừa sự lây lan của nhiễm trùng.
Chúng thực hiện điều này bằng cách xác định vết thương ở từng đốt chân của những con cùng tổ, sau đó xử lý bằng cách vệ sinh sạch sẽ hoặc cắt cụt.
Đáng chú ý, hành vi cắt cụt chi để bảo vệ cơ thể là trường hợp duy nhất trong thế giới động vật được ghi nhận tính đến thời điểm hiện nay, ngoại trừ con người. Loài kiến này thậm chí có thể thực hiện điều đó một cách tinh vi và có hệ thống, khi ca "phẫu thuật" được thực hiện bởi một hoặc nhiều thành viên.
Trước đó, một loài kiến ở Châu Phi (Megaponera analis) cũng được biết đến với khả năng điều trị vết thương bị nhiễm trùng ở đồng loại bằng một chất kháng khuẩn sản sinh bên trong tuyến nước bọt.
Theo chuyên gia này, nhiều loài kiến đang sở hữu hệ thống y tế độc nhất, có thể so sánh và thậm chí sánh ngang với con người ở một vài khía cạnh./Pexels
Theo nghiên cứu, các ca phẫu thuật đã cải thiện đáng kể khả năng sống sót của "bệnh nhân" kiến. Cụ thể, tỷ lệ sống sót đối với các chấn thương xương đốt chân được cải thiện đến 95%. Đối với các vết thương khác, tỷ lệ sống sót của kiến được cải thiện trung bình 75%.
"Kiến có khả năng chẩn đoán vết thương, phát hiện xem vết thương có bị nhiễm trùng hay không, và điều trị chúng trong thời gian dài bởi những cá thể khác", Erik Frank, nhà sinh thái học tại Đại học Würzburg (Đức), cho biết.
Theo chuyên gia này, nhiều loài kiến đang sở hữu hệ thống y tế độc nhất, có thể so sánh và thậm chí sánh ngang với con người ở một vài khía cạnh.
Các nhà nghiên cứu cho biết khả năng xác định và điều trị vết thương chọn lọc của loài kiến có thể là bẩm sinh, do không tìm thấy bằng chứng về khả năng học hỏi ở chúng.