img
:::

Tân di dân Thái Lan cầm cố nhà cửa sang Đài làm việc, nay trở thành thông dịch viên chuyên nghiệp

Chị Lâm Tú Văn (林琇文) tân di dânThái Lan, chị từng cầm cố nhà cửa ở quê hương để có cơ hội được đến Đài Loan làm việc. (Ảnh: Đài phát thanh Giáo dục quốc gia cung cấp)
Chị Lâm Tú Văn (林琇文) tân di dânThái Lan, chị từng cầm cố nhà cửa ở quê hương để có cơ hội được đến Đài Loan làm việc. (Ảnh: Đài phát thanh Giáo dục quốc gia cung cấp)
Thời báo Tân di dân toàn cầu】Biên tập/Nguyễn Minh Ái (阮明愛)

Thời báo Tân di dân toàn cầu phối hợp với chuyên mục “幸福北台灣” (tạm dịch: Hạnh phúc nơi miền Bắc Đài Loan) của Đài phát thanh Giáo dục quốc gia giới thiệu tới quý khán thính giả câu chuyện của những di dân mới tại Đài Loan. Trong tập “Tôi từng là hiện thân của định nghĩa lao động nước ngoài” được phát sóng lần này, chương trình đặc biệt mời đến chị Lâm Tú Văn (林琇文) tân di dân đến từ tỉnh Đông Bắc Thái Lan, chia sẻ câu chuyện cầm cố nhà cửa ở quê hương để có cơ hội được đến Đài Loan làm việc. Chuyên mục tuần này do 2 MC là Trần Á Ngọc (陳亞鈺), Trần Ngọc Thủy (陳玉水) dẫn dắt.

Trước đây chị Tú Văn đến Đài Loan với thân phận lao động di trú, rào cản về ngôn ngữ khiến chị gặp phải không ít khó khăn, sau này khi trở thành tân di dân chị đã hạ quyết tâm phải cố gắng học tiếng Trung. Sau bao nỗ lực, hiện tại chị đã trở thành thông dịch viên của Trung tâm Lao động di trú tại Đào Viên, trở thành hậu thuận cho lao động nước ngoài làm việc tại đây.

Thời báo Tân di dân toàn cầu cũng đã biên tập câu chuyện trong chuyên mục ngày hôm nay sang 5 thứ tiếng bao gồm tiếng Trung, tiếng Anh, tiếng Việt, tiếng Thái và tiếng Indonesia, để nhiều độc giả và thính giả có thể hiểu rõ hơn về cuộc sống nơi đất khách quê người của những di dân mới. 

“Con đến Đài Loan có được không? Con muốn được thử thách bản thân, muốn được trở nên tự lập và quan trọng hơn hết là con muốn kiếm tiền!” Chị Lâm Tú Văn hồi tưởng lại vào 20 năm trước đang là thời kỳ kinh tế Đài Loan phát triển mạnh mẽ, rất nhiều người Thái Lan rất muốn đến đây để “đãi vàng”, vốn dĩ chị đang vừa học vừa làm tại một trường đại học tại quê nhà, tuy nhiên dưới làn sóng người người nhà nhà đổ xô sang Đài Loan làm việc nên chị cũng bắt đầu nhen nhóm hi vọng, vì vậy đã bàn bạc với mẹ của mình về dự định muốn thôi học.

Chị Tú Văn cho biết, mẹ vốn dĩ rất tin tưởng vào chị nên chỉ nói, nếu như giấy tờ đã chuẩn bị đầy đủ, chỉ còn thiếu mỗi tiền thì có thể dùng ngôi nhà mà tổ tiên để lại cầm cố trước. Sau khi biết chuyện, hàng xóm đã mỉa mai gia đình chị rất nhiều, họ nói những lời rất cay nghiệt như không cẩn thận con gái ra được nước ngoài sẽ chạy mất, đến lúc đó nhà không có mà ở chỉ còn đường xuống gầm cầu chui rúc. Tuy nhiên mẹ của chị Tú Văn hoàn toàn không bị lung lay, ngược lại còn ủng hộ chị hơn, “nếu người ngoài nói vậy thì con lại càng phải cố gắng chứng tỏ mình hơn gấp bội.”

Xem thêm: Hai nữ lao động bất hợp pháp Việt Nam tại Gia Nghĩa ra đầu thú, thở phào nhẹ nhõm khi biết tin không bị giam giữ

Lần đầu đến Đài Loan, để tiết kiệm chi phí môi giới chị đã nhận đơn hàng thiếu năm để nhập cảnh, tiếp tục hợp đồng mà người lao động trước đó chưa hoàn thành xong. Tuy nhiên khi chị vào làm việc, thường nghe mọi người nói hai chữ “外勞” (lao động nhập cư), lúc bấy giờ do không hiểu tiếng Trung nên chị chỉ biết hỏi đồng nghiệp: “Họ đang gọi tôi à?”, sau này chị tự mình định nghĩa cho hai từ “外勞” chính là nếu ai gọi mình làm gì thì mình phải làm, những việc mà không ai muốn làm thì mình phải phụ trách, không được nói lại bất kỳ điều gì.

Chị Tú Văn thẳng thắn bày tỏ kỉ niệm lần đầu đến Đài Loan làm việc của chị không được vui vẻ cho lắm, có lúc chị đi chợ mua thức ăn còn cảm nhận được ông chủ hình như cố ý nâng giá để bán cho chị, MC nghe xong thì rất lấy làm ngạc nhiên. Chị Tú Văn cũng giải thích thêm: “Hiện nay, những vấn đề như thế này đều khá là hiếm gặp, chính phủ không chỉ hỗ trợ dạy tiếng Trung cho lao động di trú, mà họ cũng có thể tự mình tìm kiếm thông tin trên điện thoại, vì vậy hiện nay mọi người đều ít nhiều hiểu tiếng Trung.”

Lần thứ hai quay trở lại Đài Loan, chị Tú Văn đảm nhiệm vị trí nhân viên làm PC tại công ty máy tính Asus, từ thân phận lao động di trú chuyển thành tân di dân, ngoài ra chị cũng lựa chọn kết hôn và sinh con tại đây, khi con gái vào tiểu học, chị chọn học tiếng Trung tại trường dạy vào buổi tối, “vào thời điểm đó mỗi lần đi học tôi đều đưa con gái đi theo, buổi tối mua cho con một hộp cơp hộp, để con ngồi bên cạnh vừa ăn vừa nghe giáo viên giảng bài cùng mẹ.” MC nghe đến đây tưởng tượng ra khung cảnh hai mẹ con ngồi cùng lớp học cũng phải thốt lên: “Đáng yêu quá!”

Xem thêm: Tân di dân Việt Nam tham quan triển lãm tại Viện bảo tàng Bưu điện, thán phục trước sự tiến bộ bình đẳng giới tại Đài Loan

Trong khoảng thời gian chị Lâm Tú Văn học tiếng Trung vào buổi tối tại trường, một người bạn Việt Nam giới thiệu cho chị có thể đăng ký thêm khóa học về kĩ năng giảng dạy, việc này được xem như sự kiện quan trọng ảnh hưởng đến cuộc sống của chị sau này. Sau khi tham gia học nửa năm khóa học bồi dưỡng tại Trung tâm hỗ trợ gia đình tân di dân tại Đào Viên, chị gia nhập trung tâm lao động di trú và trở thành thông dịch viên tiếng Thái tại đây, hướng dẫn các bạn lao động đến từ các quốc gia khác nhau học tiếng Trung, đồng thời giúp đỡ họ mọi mặt trong cuộc sống cũng như trong công việc. Bởi vì bản thân cũng từng đến Đài Loan với thân phận lao động di trú, nên chị vô cùng thấu hiểu các đối tượng phục vụ của mình cần gì, muốn gì.

Hai người dẫn chương trình sau khi nghe hết câu chuyện của chị Tú Văn, bày tỏ vô cùng xúc động, bởi vì sau khi có năng lực và điều kiện, chị đã gia nhập vào đoàn đội chuyên hỗ trợ giúp đỡ lao động di trú, trở thành hậu thuẫn vững chắc cho họ, góp phần giúp các bạn lao động có thể an tâm hơn để làm việc cũng như sinh sống tại Đài Loan.

Tin hot

回到頁首icon
Loading