img
:::

Tân di dân Việt Nam hạnh phúc khi thấy Đài Loan dần lột xác thành một quốc gia có hôn nhân nhập cư tiến bộ

Chị Lê Thu Hương - thông dịch viên tại Sở Di dân chia sẻ về sự thay đổi về môi trường hôn nhân nhập cư ở Đài Loan trong những năm qua. (Ảnh: Đài phát thanh Giáo dục quốc gia)
Chị Lê Thu Hương - thông dịch viên tại Sở Di dân chia sẻ về sự thay đổi về môi trường hôn nhân nhập cư ở Đài Loan trong những năm qua. (Ảnh: Đài phát thanh Giáo dục quốc gia)
Thời báo Tân di dân toàn cầu】Biên tập/Nguyễn Minh Ái (阮明愛)

Thời báo Tân di dân toàn cầu phối hợp với chuyên mục “幸福聯合國” (tạm dịch: Hạnh phúc Liên Hợp Quốc) của Đài phát thanh Giáo dục quốc gia để giới thiệu tới quý khán thính giả câu chuyện của những di dân mới tại Đài Loan. Trong tập “Tìm hiểu diện mạo 20 năm trước của tân di dân trong xã hội Đài Loan” lần này, chương trình có dịp mời đến chị Lê Thu Hương – thông dịch viên đang làm việc tại Sở Di dân. Dẫn dắt chương trình tuần này là hai MC Vương Lệ Lan (王麗蘭), Nguyễn Thị Mai Anh (阮氏梅英). Qua chia sẻ của chị Hương hãy cùng đi tìm hiểu cuộc sống của tân di dân tại Đài Loan vào khoảng 20 năm trước, làm thế nào để họ khắc phục những khó khăn trong cuộc sống vào thời điểm đó.  

Xem thêm: Tân di dân Philippines Gen Huang: Lan tỏa yêu thương xuyên biên giới, là cầu nối gắn kết Đài Loan – Philippines

Chị Lê Thu Hương được gả đến Đài Loan hơn 20 năm. (Ảnh: Đài phát thanh Giáo dục quốc gia)

“Vào 20 năm trước, tân di dân sống ra sao tại Đài Loan?”. Chị Hương hồi tưởng lại, vào thời điểm đó do mạng Internet vẫn chưa phổ cập, phí gọi điện thoại đường dài đắt đỏ, vì vậy sau khi gả đến Đài Loan, chị phải đối mặt vởi vô vàn khó khăn, nên lần đầu chị được trở lại quê hương là tận 10 năm sau ngày cưới. MC Mai Anh cũng vô cùng đồng cảm với chị Hương, rất khó để tưởng tượng tình cảnh lúc đó mà chị Hương cũng như các chị em tân di dân phải đối mặt. “Tân di dân vào thời điểm đó ngoài việc phải chăm sóc gia đình, còn phải tự học tiếng Trung, hơn nữa phương thức liên lạc với người thân lại bị hạn chế nên nhiều ấm ức không biết chia sẻ cùng ai.”

Chị Thu Hương cho hay, 20 năm trước trên đường hầu như không có các cửa tiệm hay quán ăn Đông Nam Á. Mỗi khi nhớ vị quê hương, chị đều phải bỏ công sức thời gian bắt xe đến trung tâm thành phố để ăn một bát Phở, nhưng hương vị chẳng khác là bao với đồ ăn Đài Loan vì nguyên liệu, cách nấu ít nhiều đã được thay đổi cho phù hợp với khẩu vị của người dân nơi đây. Còn nếu như tự tay nấu, ngoài việc không mua được đầy đủ nguyên liệu, chị còn phải suy nghĩ nhà chồng có thích ăn đồ Việt Nam hay không, vì vậy chỉ lâu lâu mới có thể bày biện nấu một lần.

Xem thêm: Hành trình tìm về cội nguồn của Tăng Ngọc Phượng – tân di dân thế hệ thứ 2 đến từ Indonesia

Khoảng thời gian được trò chuyện vui chơi cùng các con là việc mà chị Thu Hương cảm thấy được an ủi nhất khi mới đến Đài Loan. (Ảnh: Pixabay)

Trước lúc đi ngủ có lẽ là thời gian mà chị Hương cảm thấy được an ủi nhất, vào lúc này chị sẽ dùng tiếng Việt để kể các câu chuyện cổ tích hay mở các ca khúc Việt Nam cho con nghe hoặc dạy các con học tiếng Việt. Chị Thu Hương còn nhớ lần đầu tiên đưa các con về quê hương, nghe thấy các con chủ động dùng tiếng Việt lơ lớ của mình để chào hỏi họ hàng khiến chị vô cùng cảm động, đây có lẽ là việc khiến chị cảm thấy hài lòng nhất khi làm dâu Đài Loan.

Trải qua hơn 20 năm cố gắng, xã hội Đài Loan đối với tân di dân đã cởi mở hơn rất nhiều, từ bài xích, thấu hiểu, bao dung đến giao lưu học hỏi, ngày nay trong mọi ngành nghề đều có thể chứng kiến biểu hiện xuất sắc của tân di dân. Chị Thu Hương cảm thán: “Hiện nay tân di dân thực sự rất hạnh phúc”, không chỉ được chính phủ cung cấp hệ thống phục vụ toàn diện, mà còn có các khóa học phụ đạo hỗ trợ thích nghi với cuộc sống mới. Sở Di dân thiết lập Trạm Phục vụ ở khắp các huyện thị, bước ra đường đâu đâu cũng dễ dàng tìm thấy các cửa tiệm Đông Nam Á, quán ăn quê hương. Đặc biệt với sự phát triển của công nghệ, mạng lưới Internet phổ cập cũng tạo điều kiện thuận lợi để tân di dân liên lạc với người thân, và quan trọng nhất là “muốn về nhà là có thể về nhà”.

Chị Thu hương cho biết thêm, ngày nay Đài Loan đã lột xác thành quốc gia có hôn nhân nhập cư tiến bộ, mỗi tân di dân trở thành mắt xích không thể thiếu để tạo nên bức tranh đa dạng văn hóa tại Đài Loan. Tuy nhiên, bất luận là 20 năm trước hay 20 năm sau, tân di dân được gả đến Đài Loan đều phải đối mặt với các rào cản về ngôn ngữ và văn hóa, vì vậy “nỗ lực học tiếng Trung là việc cần phải làm của mỗi tân di dân”. Chị cũng nhắn gửi thêm, ngôn ngữ là công cụ giao tiếp quan trọng, chị còn khuyến khích tân di dân tận dụng các tài nguyên của chính phủ, nhiều trường tiểu học, trung học cơ sở không chỉ mở các lớp tiếng Trung mà còn mở thêm các khóa học tự chọn để hỗ trợ cho tân di dân Đông Nam Á có nhu cầu, hy vọng mọi người có thể tận dụng để học hỏi và nâng cao kiến thức cho bản thân.

Trở thành người đầu tiên bình luận

Tin hot

回到頁首icon
Loading