:::

Ngành du lịch Việt Nam tiếp tục vượt khó và linh động tìm kiếm cơ hội phục hồi trong bối cảnh dịch bệnh

Cầu Rồng tại Đà Nẵng. (Nguồn ảnh: Wikipedia)
Cầu Rồng tại Đà Nẵng. (Nguồn ảnh: Wikipedia)

Trang baotintuc.vn cho biết, theo số liệu được Tổng cục Thống kê của Việt Nam công bố vào ngày 29/12/2021: Khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 12/2021 tăng 14,2% so với tháng trước do Việt Nam đang thực hiện lộ trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế từ tháng 11/2021, các chuyến bay thương mại quốc tế bắt đầu được khôi phục. Tính chung năm 2021, khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt 157,3 nghìn lượt người, giảm 95,9% so với năm 2020, trong đó chủ yếu là các chuyên gia, lao động kỹ thuật nước ngoài làm việc tại nhiều dự án ở Việt Nam.

Xem thêm: Youtuber đến từ Gambia - Châu Phi nếm thử các món ăn đóng hộp của Đài Loan

Theo đánh giá của Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch): Năm 2021 tiếp tục là một năm sóng gió với ngành du lịch do dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp khiến các chuỗi liên kết dịch vụ, du lịch bị gián đoạn, đứt gãy kéo dài. Doanh nghiệp du lịch gặp nhiều khó khăn, cạn kiệt về tài chính, nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, dừng hoạt động hoặc rút giấy phép kinh doanh; cơ sở lưu trú trên cả nước chỉ đạt khoảng 5-10% công suất. Phần lớn lao động trong ngành bị mất việc làm hoặc chuyển sang các lĩnh vực khác, gần như 100% hướng dẫn viên không có việc...

Trước tình hình đó, ngành du lịch đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương trong cả nước tiếp tục tập trung thực hiện “mục tiêu kép” vừa chống dịch, vừa phục hồi du lịch trong tình hình mới. Với du khách trong nước, ngành thực hiện chương trình du lịch nội địa thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 với chủ đề “Du lịch an toàn - Trải nghiệm trọn vẹn”. Nhờ đó, hoạt động du lịch tại các địa phương đã bắt đầu khởi sắc, du lịch nội địa đang từng bước phục hồi: Hà Nội đón 4 triệu lượt khách; Đà Nẵng đón 1,1 triệu lượt; Lâm Đồng đón 2,2 triệu lượt; Quảng Ninh đón 4,3 triệu lượt; Ninh Bình đón 1,3 triệu lượt; Thanh Hóa đón 3,4 triệu lượt…
Phong cảnh Mai Châu - một huyện vùng cao, nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Hoà Bình. (Nguồn ảnh: website Tổng cục Du lịch Việt Nam)Phong cảnh Mai Châu - một huyện vùng cao, nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Hoà Bình. (Nguồn ảnh: website Tổng cục Du lịch Việt Nam)

Tháng 11/2021, những vị khách du lịch quốc tế đầu tiên đã đến Quảng Nam, Phú Quốc và Khánh Hòa theo chương trình thí điểm đón khách quốc tế trở lại Việt Nam sau thời gian dài “đóng băng”. Đây là kết quả nỗ lực của ngành du lịch Việt Nam nói chung và cộng đồng doanh nghiệp nói riêng trong việc vượt khó, phục hồi sau đại dịch. Dự kiến đến hết tháng 12/2021, du lịch Việt Nam sẽ đón được 3.000-3.500 khách du lịch quốc tế. Sang tháng 1/2022, du lịch nước ta sẽ tiếp tục đón khách du lịch quốc tế đến từ Hàn Quốc, Nga, Uzbekistan, Kazakstan, Thái Lan và Ấn Độ…

Trong năm 2021, du lịch Việt Nam tiếp tục vinh dự nhận được nhiều giải thưởng hàng đầu khu vực và thế giới. Tiêu biểu là danh hiệu “Điểm đến hàng đầu châu Á”, “Điểm đến du lịch bền vững hàng đầu châu Á”, “Điểm đến Golf tốt nhất thế giới và châu Á”, “Điểm đến du thuyền tốt nhất châu Á”, “Vịnh Hạ Long - Điểm tham quan hàng đầu châu Á”, “Hội An - Điểm đến thành phố văn hóa hàng đầu châu Á” cùng nhiều giải thưởng cho các khách sạn, khu nghỉ dưỡng, điểm du lịch, nhà hàng, công ty du lịch, hãng hàng không của Việt Nam. Với những nỗ lực nhằm tái thiết và phục hồi hoạt động ngành du lịch Việt Nam, Tổng cục Du lịch cũng được tổ chức Giải thưởng du lịch thế giới (World Travel Awards) trao tặng danh hiệu “Cơ quan quản lý du lịch hàng đầu châu Á”.

Xem thêm: Thời báo Di dân mới toàn cầu tổ chức bữa tiệc tiếp thêm sức mạnh năm mới 2022 cho di dân mới

Trang baotintuc.vn cho biết thêm, năm 2022 được nhận định là còn nhiều khó khăn, thách thức do dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp với sự xuất hiện của biến chủng mới. Do đó, Tổng cục Du lịch tiếp tục nghiên cứu, tham mưu chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động trong ngành du lịch; hoàn thành Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, báo cáo lãnh đạo Bộ trình Chính phủ phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện...Bên cạnh đó, ngành triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển du lịch trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2022-2023; hỗ trợ địa phương phát triển sản phẩm du lịch theo hướng “mỗi tỉnh có một sản phẩm du lịch độc đáo”; đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển du lịch thông minh và ứng dụng công nghệ thông tin…Năm 2022, dù dịch COVID-19 vẫn còn gây nhiều khó khăn, thách thức nhưng Tổng cục Du lịch vẫn mạnh dạn đặt mục tiêu phục vụ 65 triệu lượt khách, trong đó có 5 triệu khách quốc tế; tổng doanh thu từ du lịch là 400.000 tỉ đồng...

Trở thành người đầu tiên bình luận

Tin hot

回到頁首icon
Loading