Cô Quan Mĩ Liên, người đã giành được giải Dự án dệt mơ lần thứ 7 dành cho di dân mới và con em của di dân mới. Ngày thường, cô là một giáo viên dạy tiếng Indonesia và quảng bá văn hóa Indonesia trong các cơ sở giáo dục. Cô cùng con gái của mình là Lưu Ngọc Châu đã cùng cố gắng để hoàn thành dự án nghệ thuật nhuộm in hoa văn vải batik của Indonesia.
Khi Thời báo di dân mới toàn cầu đưa tin về cô Quan Mĩ Liên, có rất nhiều độc giả ngay lập tức để lại câu hỏi rằng liệu có cách nào để mua quần áo do cô Quan Mĩ Liên thiết kế hay không và liệu có các khóa học liên quan đến batik hay không. Vì vậy, thông qua sự giới thiệu của Trạm Phục vụ thuộc Sở Di dân tại thành phố Đào Viên, biên tập viên của Thời báo di dân mới toàn cầu đã trực tiếp liên lạc và có một cuộc trò chuyện với cô Quan Mĩ Liên.
Xem thêm: Lịch trình di chuyển của ca bệnh 1134 và 1136
Gia đình của cô Quan Mĩ Liên ở Indonesia làm nghề buôn bán vải và sản xuất quần áo, ngay từ khi còn nhỏ cô đã được tiếp xúc với nghề nhuộm và có niềm yêu thích đặc biệt với nghệ thuật in hoa văn và nhuộm vải batik của Indonesia. Mặc dù trước đây công việc kinh doanh quần áo của gia đình đã từng bị gián đoạn nhưng may mắn thay, nhờ được sự ủng hộ từ phía gia đình ở Đài Loan, những lúc rảnh rỗi cô vẫn làm công việc yêu thích của mình là in hoa văn và nhuộm vải batik.
Cô Quan Mĩ Liên hiểu rất rõ về các loại vải, cô chia sẻ rằng nghệ thuật batik của Indonesia là một kỹ thuật chuyên nghiệp lâu đời và là một nét văn hóa quan trọng của Indonesia. Hoa văn batik thay đổi tùy theo phong tục dân gian của các vùng miền khác nhau ở Indonesia. Ví dụ, Bali có nhiều đền thờ và hầu hết các hoa văn batik là hình ảnh về đền thờ; Còn ở Java thì chủ yếu là hoa lá cỏ cây, chim chóc thú vật. Cô Quan Mĩ Liên cười và nói rằng bản thân cô thích trang phục batik ở Jakarta nhất, vì màu sắc tươi sáng hơn và trông rất sống động, giống như những gì mà cô muốn mang tới cho mọi người xung quanh mình.
Cô Quan Mĩ Liên và con gái của mình là Lưu Ngọc Châu thi thoảng cũng dùng tiếng Indonesia để giao tiếp, Lưu Ngọc Châu còn đặc biệt rất thích văn hóa Indonesia. Những năm trước, cả gia đình sẽ về Indonesia sinh sống từ 1 đến 2 tháng, Lưu Ngọc Châu khá thoải mái với cuộc sống ở Indonesia, thậm chí cô còn rất hay đưa ra các ý tưởng cho mẹ mình tổ chức các khóa học về văn hóa Indonesia.
Vào năm 2019, cô Quan Mĩ Liên và con gái của mình là Lưu Ngọc Châu đã đến tỉnh Đông Java, Indonesia để học batik với các chuyên gia. Cô Quan Mĩ Liên cho biết, mặc dù có rất nhiều cách dạy batik trên Internet, nhưng chúng tôi vẫn phải đến tận nơi sản sinh ra nghệ thuật này để học thêm những kiến thức và kỹ thuật chuyên sâu. Cô Quan Mĩ Liên đang cân nhắc mở một cửa hàng quần áo batik Indonesia để nhiều người Đài Loan và Indonesia có thể mặc lên những bộ quần áo vừa đẹp vừa sang trọng từ vải batik.
"Ngày xưa ở Đài Loan, nếu bạn mặc quần áo từ vải batik và đi trên đường, bạn sẽ luôn bị nhìn bằng ánh mắt không mấy thiện cảm". Nhưng đó là trước kia, còn bây giờ thì không như vậy nữa, ngược lại sẽ có rất nhiều người khen ngợi bộ quần áo này trông rất đẹp mắt. Cô Quan Mĩ Liên rất vui với những thay đổi ở Đài Loan, vì vậy cô đã tiết lộ với biên tập viên của Thời báo di dân mới toàn cầu rằng nên tăng cường việc quảng bá vải batik của Indonesia tại Đài Loan, từ đó có thể đem những bộ quần áo do chính cô thiết kế bán cho người dân ở khắp Đài Loan.