Trao đổi với phóng viên, đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết doanh nghiệp (DN) này đang gặp nhiều khó khăn khi vận hành hệ thống điện trong 3 tháng cuối năm và năm 2020 do nhu cầu điện dự báo tiếp tục tăng trưởng cao, trong khi hệ thống điện hầu như không có dự phòng nguồn điện. Huy động nguồn từ thủy điện gặp khó do nhiều hồ đang ở gần mực nước chết.
Việc cung ứng than cho phát điện cũng chẳng khá hơn trong khi nguồn khí trong nước đã suy giảm... Để đảm bảo cho phát điện, EVN đã phải huy động nguồn chạy dầu với 178 triệu kWh, giá thành điện bị đội lên. Trong khi đó, nguồn điện tái tạo đưa vào vận hành và tăng trưởng cao, gây ảnh hưởng đến an toàn vận hành và ổn định hệ thống điện...
Với tốc độ tăng trưởng bình quân 8,6%/năm theo quy hoạch điện VII (điều chỉnh), mỗi năm sản lượng điện sản xuất cần bổ sung bình quân 26,5 tỉ kWh. Theo tính toán của Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công thương), sản lượng thiếu hụt năm 2021 khoảng 6,6 tỉ kWh, đến năm 2022 tăng lên khoảng 11,8 tỉ kWh, năm 2023 có thể lên đến 15 tỉ kWh (tương ứng 5% nhu cầu).
Nguyên nhân dẫn đến nguy cơ thiếu điện là do nhiều dự án nguồn điện lớn bị chậm tiến độ so với quy hoạch. Có thể kể một số dự án của EVN chậm tiến độ như Quảng Trạch 1 (chậm khoảng 2 năm), thủy điện Hòa Bình mở rộng và Ialy mở rộng (chậm 2-4 năm), nhiệt điện Ô Môn IV (chậm khoảng 2 năm), Ô Môn II (chậm khoảng 5 năm)...
Nhiều dự án điện của PVN cũng chậm tiến độ ít nhất 3 năm như Thái Bình 2, Sông Hậu 1 và Long Phú 1, Nhơn Trạch 3 và 4. Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản cũng có 4 dự án đều chậm tiến độ từ 2 năm trở lên như Na Dương 2, Quỳnh Lập 1...