Lời khuyên chung của các chuyên gia dành cho người dùng ví điện tử là hãy lựa chọn ví điện tử được chứng nhận chuẩn PCI DSS - chứng nhận đảm bảo các công nghệ bảo mật của ví hoạt động hiệu quả theo các tiêu chuẩn cao nhất của ngành tài chính - ngân hàng quốc tế.
CI DSS là tiêu chuẩn bảo mật xác lập bởi Hội đồng Tiêu chuẩn Bảo mật (PCI Security Standards Council) gồm các thành viên: Visa, MasterCard, American Express, Discover Financial Services và JCB International.
Để được cấp chứng chỉ này, nhà cung cấp dịch vụ phải kiểm tra mạng lưới hạ tầng hàng tháng, Hội đồng Tiêu chuẩn Bảo mật tới kiểm tra bảo mật hàng năm, nhằm đảm bảo đáp ứng và tuân thủ các nguyên tắc vàng về bảo mật.
PCI DSS là một tập hợp 12 yêu cầu dựa trên 6 nguyên tắc cơ bản gồm:
- Xây dựng và duy trì hệ thống mạng bảo mật;
- Bảo vệ dữ liệu thẻ thanh toán;
- Xây dựng và duy trì tình trạng đảm bảo an ninh mạng;
- Xây dựng hệ thống kiểm soát xâm nhập;
- Theo dõi và đánh giá hệ thống thường xuyên
- Chính sách bảo vệ thông tin.
Tại Việt Nam, MoMo là ví điện tử đầu tiên được chứng nhận đạt chuẩn PCI DSS từ năm 2016, và đến nay đã nhận chứng chỉ này ở Level 1 - cấp độ cao nhất dành cho nhà cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán.
Theo ông Nguyễn Bá Diệp - phó chủ tịch Ví MoMo, cùng với chứng nhận trên, MoMo còn áp dụng nhiều giải pháp bảo mật khác.
Tại MoMo, thông tin thẻ của khách hàng không được lưu trữ, áp dụng tính năng mã hóa số thẻ quốc tế (Tokenization), công nghệ xác thực tiên tiến, vượt trội như xác thực hai lớp, xác thực bằng vân tay hay nhận diện khuôn mặt, công nghệ 3D Secure, bảo vệ đường truyền chuẩn SSL/TLS, phát hiện giao dịch bất thường.
Nhờ ưu thế tiện lợi và tính bảo mật cao, xu hướng dùng ví điện tử đang phổ biến mạnh mẽ ở Việt Nam.
Theo Ngân hàng Nhà nước, thanh toán điện tử tại Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng ấn tượng cả về số lượng giao dịch và giá trị giao dịch. Riêng Quý I/2019, số lượng và giá trị giao dịch tài chính qua kênh điện thoại di động tăng 97,7% và 232,3% so với cùng kỳ 2018.
Việt Nam là thị trường tăng trưởng nhanh nhất về thanh toán di động năm 2018 ở Đông Nam Á. Dự báo giá trị giao dịch thanh toán điện tử tại thị trường Việt Nam sẽ tăng lên 12,3 tỷ USD vào năm 2022.
tuoitre.vn