Trong cuốn "How to win in a Winner-Take-All World" (Tạm dịch: Cách chiến thắng trong thế giới toàn người thắng), Neil Irwin, phóng viên tờ New York Times, cho rằng chọn làm ở một loại hình công ty cụ thể giống như chọn loại cổ phiếu.
Những gì phù hợp với bạn phụ thuộc vào khả năng chấp nhận rủi ro, nhu cầu thu nhập và những gì có thể nhận được. Chọn một trong những loại công ty này chỉ là bước đầu tiên. Và giống như bất kỳ chiến lược đầu tư nào, bạn cũng cần có kế hoạch quản lý rủi ro.
Irwin cho biết các công ty hàng đầu là công việc tương đương với loại cổ phiếu tăng trưởng. Họ dẫn đầu ngành công nghiệp của họ và sẵn sàng tăng trưởng hơn trong tương lai. Nếu đủ may mắn có được công việc đầu tiên ở một công ty hàng đầu, đó có thể là khởi đầu tuyệt vời cho sự nghiệp.
Nhưng sẽ là sai lầm khi nghĩ đó là tấm vé vàng. Những loại công việc này không phù hợp cho tất cả mọi người. Các công ty hàng đầu là những công ty lớn. Để thành công, bạn phải nhận ra hệ thống quản lý hành chính phức tạp, nền chính trị nội bộ và tránh bị đánh giá thấp trong cùng vị trí công việc.
Để được công nhận, làm việc và thăng tiến tại đó có thể sẽ khó khăn hơn. Ngoài ra, công ty lớn và thành công không có nghĩa bạn không phải đối mặt một số rủi ro cá nhân. Công ty hàng đầu có thể luôn thay đổi.
Một lựa chọn khác là công ty khởi nghiệp, nơi có nhiều ưu đãi nếu họ thành công trong tương lai. Trong một công ty nhỏ, bạn ít bị đóng khung trong vai trò nhất định mà có nhiều trách nhiệm hơn, học hỏi được nhiều kỹ năng mới.
Nhược điểm là rủi ro cá nhân rất lớn, khả năng khởi nghiệp thất bại khá cao. Cũng có khả năng nó vận hành kém và bạn sẽ học được ít kỹ năng mềm hơn, ảnh hưởng nhiều thói quen xấu hơn. Khởi nghiệp cũng chịu rủi ro hệ thống nhiều hơn vì cần nguồn tài chính bên ngoài, phụ thuộc vào chu kỳ kinh doanh.
Lựa chọn thứ ba là những gì Irwin so sánh với các cổ phiếu có giá trị: các công ty bị đánh giá thấp, đã qua thời hoàng kim và chậm dần, thậm chí là tụt hậu. Lợi thế cho việc được tuyển vào các công ty này được trao cơ hội với tư cách là người trẻ tuổi, đầy tham vọng nhưng thiếu kinh nghiệm.
Bạn cũng học được nhiều khi công ty đang mắc sai lầm. Nhưng có khả năng bạn lạc hướng trong bộ máy quan liêu của họ vì các công ty cũ có thể cứng nhắc hơn và chống lại sự thay đổi. Bạn cũng phải đối mặt với nguy cơ mất việc.
Giống như đầu tư vào thị trường chứng khoán, chúng ta không biết được tương lai của bất kỳ công ty nào, vì vậy bạn phải nắm lấy cơ hội. Công việc đầu đời thường sẽ không phải là công việc sau cùng, và bạn sẽ làm việc ở tất cả các loại công ty khác nhau trong suốt cuộc đời. Nhưng khởi đầu đúng sẽ mang lại nền tảng vững vàng để chấp nhận những rủi ro và thích ứng được với bất kỳ sự thay đổi nào của nền kinh tế.
(Từ vnexpress.net/kinh-doanh/cach-can-nhac-rui-ro-khi-chon-cong-viec-dau-doi-4015822.html)