img
:::

Ngày 17-1-2020, khi không khí tết bắt đầu chộn rộn, tại trụ sở Tổng công ty Công nghiệp công nghệ cao Viettel, Bộ trưởng Bộ Thông tin - truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng và Bộ trưởng Bộ Khoa học - công nghệ Chu Ngọc Anh đã cùng thực hiện cuộc gọi video đầu tiên trên nền tảng 5G.

Điều đặc biệt, nền tảng để thực hiện cuộc gọi này sử dụng đường truyền dẫn dữ liệu kết nối 5G trên thiết bị thu phát sóng do chính Viettel nghiên cứu và sản xuất, bao gồm cả thiết bị phần cứng và phần mềm. Trước giờ chúng ta chỉ toàn thấy các nước mạnh trên thế giới làm và công bố thông tin về mạng 5G, chứ chưa bao giờ được chứng kiến hoạt động thực tế của mạng 5G trên chính thiết bị "make in Vietnam" như lần này.

Đầu năm 2019, khi các nhà mạng MobiFone, VinaPhone và Viettel tuyên bố sẵn sàng triển khai thử nghiệm 5G, trong bối cảnh tình hình an ninh mạng trên thế giới ngày càng diễn biến phức tạp và nguy hiểm khôn lường, rất nhiều người mong muốn Việt Nam có thể tự xây dựng một hệ thống hạ tầng mạng 5G riêng của chính mình.

Tuy nhiên, khả năng công nghệ và năng lực của các nhà mạng Việt Nam đã khiến không ít người cho rằng việc "làm chủ" này chẳng khác gì "ước mơ chỉ là mơ ước", còn lâu mới thực hiện được.

Thế nhưng nếu biết rằng hệ thống thiết bị 5G phục vụ cuộc gọi video 5G giữa hai vị bộ trưởng nêu trên do đội ngũ kỹ sư của Viettel phát triển chỉ trong 6 tháng (từ tháng 6 đến tháng 12-2019) hẳn sẽ không khỏi ngưỡng mộ. Viettel cho biết các kỹ sư của họ thực hiện yêu cầu nêu trên chỉ với nền tảng kinh nghiệm từ quá trình tự nghiên cứu phát triển trạm thu phát sóng (BTS) cho 4G và quá trình nghiên cứu tiền khả thi 5G.

5G sẽ quyết định sự thành công của xã hội số

Ngoài Viettel, hiện nay trên thế giới mới chỉ có 5 công ty đã sản xuất thành công các thiết bị mạng cho 5G bao gồm: Ericsson, Nokia, Huawei, Samsung và ZTE. Do đó, Viettel sẽ là nhà cung cấp thứ 6 trên thế giới sản xuất thiết bị này.

Trong số các nhà cung cấp kể trên, chỉ có duy nhất Viettel vừa là nhà khai thác viễn thông vừa có khả năng sản xuất các thiết bị mạng. Viettel đặt mục tiêu đến tháng 6-2020 sẽ thương mại hóa 5G Microcell và đến tháng 6-2021 sẽ thương mại hóa 5G Microcell trên toàn mạng lưới. Nhà mạng này cũng sẽ xây dựng các sản phẩm dân sự, quân sự trên "Hệ sinh thái công nghệ 5G" phát triển và sản xuất tại Việt Nam.

Về tầm quan trọng của 5G, thiếu tướng Lê Đăng Dũng - quyền chủ tịch, tổng giám đốc Tập đoàn Viettel - nhận định: "5G sẽ quyết định sự thành công của xã hội số. Tất cả các quốc gia đều dùng 5G này để chứng minh trình độ khoa học công nghệ của mình. Vì vậy, chúng tôi xác định dự án 5G như là dự án chiến lược nhất của Viettel".

(https://tuoitre.vn/)

Hình ảnh minh hoạ từ Pixabay.com

Tin hot

回到頁首icon
Loading