Hoạt động thể chất với cường độ hợp lý có thể làm giảm nguy cơ mắc 7 loại bệnh ung thư, nghiên cứu mới của các nhà khoa học Mỹ.
Nghiên cứu công bố ngày 26/12 trên Tạp chí Ung thư Lâm sàng, các nhà khoa học phân tích dữ liệu từ hơn 750.000 người trưởng thành tại Mỹ, châu Âu và Australia. Kết quả cho thấy chăm vận động có thể giảm nguy cơ mắc 7 loại ung thư bao gồm ung thư đại tràng, vú, thận, u tủy, gan, ung thư hạch không Hodgkin và ung thư nội mạc tử cung.
Một số nghiên cứu trước đây cũng đi đến kết luận tương tự. Trong công trình mới nhất, các nhà khoa học đã phân tích kỹ lưỡng hơn và cho ra những con số cụ thể. Theo đó, vận động thể chất thường xuyên giúp giảm 6-10% nguy cơ ung thư vú, 18-27% nguy cơ ung thư gan và giảm 10-19% các loại ung thư còn lại. Khi điều chỉnh chỉ số khối cơ thể (BMI), nguy cơ ung thư nội mạc tử cung gần như tiêu biến.
Giới chức y tế Mỹ khuyến nghị người trưởng thành nên dành ít nhất 2 tiếng rưỡi tập aerobic với cường độ vừa phải, 75 phút tập luyện với cường độ nặng hơn và kết hợp cả hai bài tập một lần mỗi tuần. Trong khi đó, theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới, người lớn 18-64 tuổi nên thực hiện các bài tập đơn giản như đi bộ, khiêu vũ, đi xe đạp, bơi lội...
Các nhà khoa học cũng cho biết hoạt động thể chất không phải là nguyên nhân trực tiếp làm giảm nguy cơ mắc các bệnh ung thư. Các yếu tố ngoại cảnh trong thời gian vận động cũng đóng vai trò quan trọng.
Một số yếu tố khác có liên quan đến bệnh ung thư bao gồm thói quen hút thuốc, chế độ ăn và căn bệnh béo phì.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong năm 2018, thế giới có hơn 18 triệu người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư, phổ biến nhất là ung thư phổi và ung thư vú.
(Từ vnexpress.net )