TP HCM Giai đoạn 2017-2019, căn hộ thuộc phân khúc luxury đội giá trung bình trên 13% mỗi năm.
Tại Hội thảo Cơ hội đầu tư bất động sản vùng lân cận TP HCM năm 2020, Phó giám đốc Bộ phận Tiếp thị dự án nhà ở CBRE Việt Nam, Võ Huỳnh Tuấn Kiệt cho biết, giá nhà tại Sài Gòn đang không ngừng leo thang trong vài năm gần đây. Diễn biến này đã khiến nhiều người buộc phải dịch chuyển ra vùng ven, thậm chí tỉnh giáp ranh, lân cận TP HCM để tìm nơi an cư.
Theo dữ liệu của đơn vị này, từ năm 2017 đến đầu quý IV/2019 căn hộ hạng sang tại khu trung tâm TP HCM tăng đến 40%. Nguyên nhân tăng giá là do quỹ đất nằm ở lõi trung tâm đô thị ngày càng ít dần, chi phí đầu vào cho giá đất có vị trí độc nhất vô nhị ngày càng tăng cao. Ngoài ra, số lượng căn hộ hạng sang không nhiều, tình trạng khan hiếm này cùng với quá trình xây dựng sản phẩm chất lượng, nguyên vật liệu nhập khẩu đắt đỏ đã đẩy giá thành căn hộ hạng sang tăng nhanh trong 3 năm qua.
Ông Kiệt nhận xét, trong 3 năm qua giá căn hộ tất cả các phân khúc đều tăng mạnh, bình dân và trung cấp tăng giá 5-7% mỗi năm trong khi căn hộ cao cấp và hạng sang tăng giá trong ngưỡng 10-13% mỗi năm.
Phân khúc chung cư bình dân và trung cấp được khách hàng mua để ở là chính. Trong khi đó, căn hộ cao cấp và hạng sang được mua để đầu tư. Căn hộ hạng sang và cao cấp có tốc độ tăng giá cao và nhanh hơn 2 phân khúc còn lại vì chi phí đất đầu vào cho quỹ đất vị trí trung tâm đang ở mức rất cao sau nhiều năm thị trường bất động sản liên tục nóng sốt.
Tuy nhiên, trong nhiều lần cảnh báo về tình trạng thổi giá căn hộ cao cấp và hạng sang, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM, Lê Hoàng Châu cho rằng, phân khúc này tăng giá ở biên độ lớn trong vài năm gần đây, đặc biệt xuất hiện giá bán gần 300 triệu đồng mỗi m2 căn hộ tại quận 1, vì đang ở thế độc quyền.
Theo ông Châu, sở dĩ thị trường căn hộ hạng sang tại TP HCM xuất hiện vùng giá bán ngất ngưởng, một phần là do chính quyền thành phố hạn chế cấp phép các dự án tại khu vực quận 1 và quận 3 trong giai đoạn 2018-2020. Điều này vô tình gây ra tình trạng khan hiếm hàng hóa tại vùng lõi trung tâm Sài Gòn, dẫn đến tình trạng thừa cơ kích giá bất động sản lên cao.
Thực trạng này khiến cho thị trường bị tác động xấu là tiếp tục thiết lập mặt bằng giá mới tại khu lõi trung tâm hiện hữu (quận 1, 3) và trung tâm mới (Thủ Thiêm). Hơn thế nữa, tình trạng kích giá còn có tác động lây lan đến các quận nằm tiếp giáp hoặc lân cận khu vực trung tâm, thậm chí là lan tới vùng ven Sài Gòn.
Theo vnexpress.net