Khai trương đã gần một tháng, hình ảnh xếp hàng dài để được "check in" mua sắm quần áo của Uniqlo (đường Đồng Khởi, TP.HCM) đã gây ngạc nhiên với nhiều người tiêu dùng. Những băn khoăn ban đầu về việc liệu thương hiệu đến từ Nhật này có đang chơi "chiêu trò" với người tiêu dùng Việt hay không đã dần phải lùi bước, trước thực tế ba tầng lầu mà Uniqlo thuê luôn đông người đến mua sắm, với hóa đơn tính từ tiền triệu trở lên, phải xếp hàng "mệt nghỉ" mới được đến lượt thanh toán. Trong khi đó, phần nhiều sản phẩm Uniqlo ghi rõ được sản xuất tại Việt Nam.
"Không chỉ giá bán khá hợp lý, điều tôi thích nhất ở thương hiệu này là kiểu dáng rất phù hợp với tầm vóc người Việt, cách bố trí sản phẩm hợp lý. Kích cỡ sản phẩm không quá to hoặc cần dáng người chuẩn như một số thương hiệu ngoại khác" - chị Quỳnh Thư (Q.Phú Nhuận) nhận xét.
Theo đánh giá của chị Thư, một chiếc áo thun loại thông dụng mà ai cũng có thể mặc được của Uniqlo đang bán dao động ở mức 249.000-259.000 đồng/áo với chất liệu mát mềm, không bị trễ cổ sau khi giặt đã "ăn đứt" sản phẩm cùng loại của ba thương hiệu trong nước còn "trụ" lại kiên cường hiện nay, là P., N. hay B.E đang có giá cao hơn Uniqlo không dưới 10.000 đồng/sản phẩm.
Một số thương hiệu Việt hiện vẫn thúc đẩy, phát triển kinh doanh. An Phước, Việt Tiến, May 10, Đông Phương... vẫn trung thành với hai sản phẩm truyền thống là sơmi và quần âu. Việt Tiến, An Phước... đã tung ra những sản phẩm phát triển thêm là áo thun hoặc áo kiểu cách điệu...
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, sức hút so với nhiều thương hiệu ngoại đang có khoảng cách. Ông Tuấn Phong - giám đốc một doanh nghiệp tư nhân, chuyên mua áo sơmi của thương hiệu A. - nhận định: "Nhìn lại, tôi không thấy có gì hấp dẫn hay mới hơn, ngoài chất liệu vải có thay đổi đôi chút. Xét về thiết kế, rõ ràng thương hiệu nội có dấu hiệu thụt lùi".
Nhiều thương hiệu thất thế ở "sân nhà"
Bà Đ.Q. - người sáng lập thương hiệu thời trang T. một thời lẫy lừng với hàng chục cửa hàng khắp thành phố, nay không còn sở hữu cửa hàng nào tại các trục đường lớn - cho biết việc các thương hiệu thời trang nội từ từ "buông súng" đã trở nên quen thuộc. Sự bùng nổ kinh doanh online, hàng giảm giá theo mùa được "đánh" tận Mỹ, Hàn, Nhật về bán lại trong 5 năm gần đây đã "giết" dần các thương hiệu thời trang nội.
Thậm chí các shop kinh doanh quần áo thời trang mọc san sát trên các tuyến đường ở TP.HCM như Trần Huy Liệu, Nguyễn Đình Chiểu, Lê Văn Sỹ, Nguyễn Trãi... cũng chẳng giấu nguồn hàng bày bán là từ Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc, Campuchia, hoặc được "lên đời" từ các tổ hợp cơ sở may mặc "nhái" lại kiểu dáng các mẫu "hot" trên phim ảnh. "Chúng tôi thật sự không thể cầm cự nổi, nên phải buông" - bà Đ.Q. chia sẻ.
Nhìn từ góc độ người tiêu dùng, chị Nguyễn Ngọc Hạnh (Q.3) cho rằng người tiêu dùng ít còn nhớ thương hiệu thời trang trong nước. Thay vào đó, họ chỉ muốn vào các cửa hiệu có bài trí bắt mắt, sản phẩm đa dạng, giá bán hợp lý, nhân viên phục vụ thân thiện để mua hàng.
Chưa kể tâm lý giới trẻ hiện nay lại rất thích vào các trung tâm thương mại hoặc các tiệm bài trí dễ thương, bắt mắt để xem thấy được thì mua, không thì coi như đi chơi. "Giới trẻ càng có điều kiện kinh tế sẽ khó "chung thủy" với thương hiệu nào" - chủ tịch HĐQT công ty đang sở hữu một thương hiệu thời trang nam ở TP.HCM chia sẻ.
Cần nỗ lực ở thị trường 5 tỉ USD
Thừa nhận quy mô tiêu dùng hàng may mặc tại thị trường nội địa có thể lên đến 5 tỉ USD hoặc hơn, ông Phạm Xuân Hồng - chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM (Agtek), nguyên chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần may Sài Gòn 3 - cũng cho hay ông không ngạc nhiên khi thấy sự tuột dốc của các thương hiệu thời trang nội địa gần đây, đặc biệt khi các thương hiệu thời trang quốc tế xuất hiện ngày một nhiều.
Trong cuộc họp của ngành dệt may gần đây, chính Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu phải đẩy mạnh và phát triển được thương hiệu thời trang trong nước. Theo ông Hồng, việc các thương hiệu thời trang trong nước không có sự đột phá trong tư duy thiết kế, thiếu sự đổi mới trong chính sách bán hàng, không coi trọng việc đào tạo để có được đội ngũ bán hàng chuyên nghiệp là những nguyên nhân cơ bản khiến uy tín thương hiệu "teo" dần.
Nhưng sâu xa hơn, việc quản lý thị trường buông lỏng khiến hàng may mặc không rõ nguồn gốc có giá bán cực thấp lũng đoạn thị trường, khiến doanh nghiệp trong nước không thể cạnh tranh nổi về giá "cũng cần được xem như là một nguyên nhân quan trọng khiến thị phần các doanh nghiệp cứ mất dần đi, dẫn đến hệ lụy rất không hay như ngày hôm nay đang diễn ra là điều khó tránh" - ông Hồng nói.