Dẫn chứng mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong 10 năm tới là "tối thiểu đạt mức trung bình 7,5%/năm", TS Võ Trí Thành cho hay hiện có nhiều quan điểm xung quanh mục tiêu này. Nhiều người bảo thừa sức, nhiều người bảo đánh đố.
Vậy 10 năm tới liệu Việt Nam có đạt được mức tăng trưởng như thế này hay không? Theo ông Thành, tính đến thời điểm này, Việt Nam đang có nhiều thuận lợi và khó khăn.
Về chính sách tiền tệ, Việt Nam đang có những thuận lợi, áp lực về tỉ giá không lớn, Ngân hàng Nhà nước điều hành cung tiền nhịp nhàng, tái cấu trúc ngân hàng có bước tiến tích cực. Đến nay 13 ngân hàng đã đạt chuẩn Basel 2, nhiều ngân hàng bước vào chuyển đổi số.
Việt Nam cũng đã hội nhập sâu rộng, trở thành trung tâm đầu tư kinh doanh. Ngoài ra, Việt Nam cũng đang có lợi thế về dân số vàng, thị trường nội địa rộng mở cùng tầng lớp trung lưu tăng, chiến lược chuyển hướng của các nhà đầu tư trước tác động thương chiến Mỹ - Trung...
Tuy nhiên, theo TS Võ Trí Thành, thách thức với Việt Nam cũng không nhỏ. Giải ngân đầu tư công chậm, đến nay mới đạt hơn 50% so với kế hoạch. Gần đây, Việt Nam cũng phải đối mặt với vấn đề gian lận xuất xứ hàng hóa.
"10 tháng đầu năm 2019, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam là 8,5% nhờ xuất khẩu vào Mỹ tăng đến 26%, nhưng nhập khẩu từ Trung Quốc tăng trên dưới 20% trong khi xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc 9 tháng đầu năm nay lại âm, sang EU cũng âm. Đây cũng là lý do Việt Nam phải làm mạnh việc gian lận xuất xứ hàng hóa nhằm tránh bị lợi dụng làm điểm trung chuyển để xuất khẩu hàng hóa sang nước thứ ba", ông Thành giải thích.
Ông Nguyễn Hiếu, tổng giám đốc Công ty chứng khoán Rồng Việt, thì cho rằng cần đẩy nhanh hơn nữa việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước cũng như nới thêm "room" cho khối ngoại ở một số lĩnh vực.
Theo ông Hiếu, điều kiện tiên quyết để tăng giá trị vốn hóa thị trường là đẩy nhanh cổ phần hóa, thoái vốn nhưng cổ phần hóa từ năm 2018 đến nay bị tắc do các vấn đề liên quan đến đất. Trong khi đó, "room" cho khối ngoại ở một số lĩnh vực vẫn còn bị hạn chế. Do vậy cần tháo gỡ những vướng mắc này để tạo động lực cho tăng trưởng.
Bên cạnh đó Việt Nam cũng phải cẩn trọng với những nhân tố từ bên ngoài, nhất là gần đây nhiều nước đã liên tục giảm lãi suất để kích thích tăng trưởng.
"Cần lưu ý là khi phải dùng đến những công cụ cuối cùng để điều tiết thì rủi ro nhiều hơn", ông Hiếu đưa ra khuyến cáo.
tuoitre.vn