Theo Sở Khoa học và công nghệ, việc bổ sung đối tượng nhận vốn của chương trình kích cầu đầu tư sẽ giúp chương trình có mức độ lan toả, thiết thực hơn. Theo đó, để đảm bảo chương trình kích cầu đầu tư đề ra, TP.HCM sẽ hoàn thiện chương trình kích cầu phù hợp với tình hình thực tế các dự án cũng như xu hướng phát triển kinh tế của thành phố, bổ sung đối tượng các dự án khởi nghiệp, startup tham gia chương trình.
TP cũng sẽ hoàn thiện quy chế phối hợp, quy trình thực hiện đăng ký tham gia của các doanh nghiệp theo hướng hỗ trợ tốt hơn cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp.
Một điểm mới nữa là chương trình kích cầu cũng dự kiến nâng số vốn được hỗ trợ cho mỗi dự án từ 100 tỉ hiện nay có thể nới rộng lên 200 tỉ đồng. Ngoài ra, những dự án đang sử dụng vốn ngân sách nhà nước có khả năng đem lại nguồn thu lớn chuyển đổi sang xã hội hóa cũng sẽ là được đưa vào chương trình này.
Chương trình kích cầu đầu tư theo quyết định số 50 của UBND TP.HCM triển khai từ năm 2015, đến nay đã thực hiện phê duyệt 281 dự án, trong đó lĩnh vực công nghệ cao có 17 dự án với tổng mức đầu tư hơn 3000 tỉ đồng, số vốn được hỗ trợ lãi suất xấp xỉ 1.000 tỉ đồng, bình quân số vốn đầu tư cho mỗi dự án là 176,8 tỉ đồng. Ngoài ra còn có các dự án trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ với 15 dự án với tổng mức đầu tư khoảng 1.393 tỉ đồng, bình quân số vốn đầu tư cho một dự án là 92,92 tỉ đồng.
Điểm nổi bật của chương trình là tạo dựng cơ chế liên kết hợp tác 3 bên, trong đó Nhà nước đóng vai trò cầu nối và cùng chia sẻ rủi ro trong mối liên hệ giữa doanh nghiệp và các viện, trường.
Cũng tại hội nghị, đại diện nhiều sở, ban ngành TP cho biết thời gian qua, TP có nhiều chương trình kích cầu, hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp nhưng số lượng các doanh nghiệp có thể vay vốn được rất hạn chế. Phần lớn các tổ chức tín dụng vẫn yêu cầu doanh nghiệp vừa và nhỏ có tài sản thế chấp, công tác thẩm định dự án vẫn đưa ra nhiều đòi hỏi, quá sức với doanh nghiệp...