Bộ NN&PTNT mới có báo cáo gửi Chính phủ về tình hình kiểm soát dịch tả lợn châu Phi cũng như việc đảm bảo cung ứng thịt trong nước.
Cơ quan này cho biết nông dân nhiều tỉnh đã nuôi tái đàn thành công như Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hưng Yên, Hải Dương, Nam Định, Thanh Hóa, Bình Định, Đồng Nai...
Do đó, sản lượng thịt lợn nuôi tái đàn được dự báo sẽ cung ứng đủ cho nhu cầu. Tuy nhiên, thời gian phục hồi đàn lợn là khoảng 5-7 tháng, nên số thịt này chỉ mới được cung ứng cho thị trường từ tháng 1.
Đến nay, 93,7% tổng số xã có dịch đã qua 30 ngày không phát sinh thêm ca bệnh mới.
Tổng đàn lợn của cả nước hiện nay là hơn 24 triệu con, trong đó có khoảng 2,7 triệu con lợn nái. Riêng các doanh nghiệp chăn nuôi lớn đã tăng số lượng tổng đàn từ 5-15% so với cùng kỳ năm 2018.
Trong khi đó, theo Cục Thú y, tổng sản lượng thịt các loại nhập khẩu trong năm 2019 là 280.474 tấn, tăng 17% so với năm 2018. Trong đó, sản lượng thịt lợn nhập khẩu đạt 67.131 tấn, tăng 63%.
Tính từ tháng 11/2019, khi có chỉ đạo của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ về nhập khẩu 100.000 tấn thịt lợn, đến ngày 31/1, cả nước đã nhập khẩu 17.421 tấn thịt lợn và sản phẩm từ lợn. Các thị trường đối tác chủ yếu là Đức, Ba Lan, Canada và Mỹ.
Tuy nhiên, Bộ NN&PTNT cho rằng việc nhập khẩu thịt lợn từ Mỹ trong thời gian tới sẽ gặp nhiều khó khăn, vì giá thịt lợn nước này cao hơn một số nước khác, trong khi thời gian và chi phí vận chuyển dài hơn, cao hơn.
Thuế nhập khẩu thịt lợn từ Mỹ vẫn ở mức cao so với các nước đã có FTA với Việt Nam như Australia, Nhật Bản...
Do đó, các doanh nghiệp cần lượng vốn lớn để nhập khẩu. Qua rà soát cho thấy, để nhập 200-300 tấn thịt lợn/tháng, doanh nghiệp cần đặt cọc vài chục tỷ đồng cho mỗi lần mua.
Do đó, Bộ NN&PTNT đề xuất Phó thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan xem xét, sớm có chính sách giảm thuế nhập khẩu thịt lợn từ Mỹ và tạo điều kiện thông quan cho mặt hàng này.
Đồng thời, cơ quan này đề xuất Bộ Công Thương và Bộ Ngoại giao hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm nguồn hàng giá hợp lý ở Mỹ và các nước.