Để cho dễ hiểu chúng ta xem các ví dụ sau: Khi cơ thể chúng ta tiếp xúc một lượng phóng xạ với 100 mSv có thể gây tổn hại tới thai nhi, với 500 mSv có thể gây đỏ và bỏng da, 1.000 mSv có thể gây nôn ọe, với 3.000 - 4.000 mSv thì có thể gây tử vong trong vòng 3 đến 6 tuần, tỉ lệ tử vong lên đến 50%, từ 8.000 mSv thì không có cơ hội sống sót.
Ở Đức, liều lượng cho phép của những người làm việc trong môi trường phóng xạ mỗi năm không được quá 20 mSv và một người bình thường không được quá 1mSv (không tính từ phóng xạ tự nhiên).
Lượng polonium-210 chúng ta hấp thu trong tự nhiên thấp đến mức thực tế không có ảnh hưởng đến sức khỏe. Một người hút thuốc tiêu thụ khoảng 20 điếu thuốc mỗi ngày sẽ phơi nhiễm phóng xạ phổi trong vòng một năm bằng với lượng phóng xạ sẽ được tạo ra bởi 250 lần chụp X-quang của phổi.
Người ta đã đo được sự phát tán của polonium-210 trong quá trình hút thuốc lá là khoảng 40% phát tán qua khói thuốc, 20% trong tàn thuốc và 40% trong phần sót lại của điếu thuốc. Như vậy không chỉ người hút mà những người xung quanh cũng có thể hấp thu chất phóng xạ qua đường hô hấp.
Mặc dù lượng chất phóng xạ hấp thu qua từng điếu thuốc là khá nhỏ, tuy nhiên chất phóng xạ này lại nằm lại trong phổi lâu dài, tích lũy dần và gây nguy hiểm. Các nghiên cứu khoa học cũng chỉ ra rằng polonium-210 không chỉ được tích lũy trong mô phổi mà còn được phát tán trong toàn bộ cơ thể.
Polonium-210 cũng được phát hiện trong máu và nước tiểu của những người hút thuốc. Do vậy tia alpha của polonium-210 không chỉ gây tổn hại cho phổi mà còn có thể gây tổn hại cho các cơ quan khác như tim mạch, gan, các tế bào miễn dịch.