Công nghiệp chế biến chế tạo VN đang trở thành động lực dẫn dắt tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp khi đạt mức 10,6%, với nhiều sản phẩm có giá trị cao được tiêu thụ ở thị trường nước ngoài.
"Ngành công nghiệp chế biến chế tạo lần đầu tiên xuất siêu thể hiện giá trị gia tăng trong nước đã được nâng cao, năng lực công nghiệp hỗ trợ đã được cải thiện, ít phụ thuộc hơn vào các sản phẩm công nghiệp và vào các nguyên liệu, linh kiện phụ tùng nhập khẩu.
Khả năng cạnh tranh của các sản phẩm công nghiệp VN dần được nâng cao và sự dịch chuyển cơ cấu tích cực sang các ngành có giá trị cao hơn" - ông Hoài đánh giá và cho biết thêm năm 2019 là năm thứ năm liên tiếp VN ghi nhận xuất siêu, với khoảng 10 tỉ USD.
Thời gian qua, nhiều địa phương chưa thực sự bố trí được các nguồn lực để xây dựng và triển khai chính sách phát triển công nghiệp, hỗ trợ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Để ngành công nghiệp phát triển, ông Hoài cho rằng cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các địa phương.
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 26-12, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, cho rằng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2019 đạt 517 tỉ USD là "con số rất ấn tượng, cho thấy sự tăng trưởng và phát triển bền vững của thương mại quốc tế trong cơ cấu kinh tế VN".
Năm 2019 thương mại toàn cầu giảm tốc, xu hướng bảo hộ mậu dịch ngày càng tăng, nên nỗ lực của doanh nghiệp đạt được con số xuất khẩu gần 264 tỉ USD là không hề đơn giản, đáng trân trọng.
Ông Trần Tuấn Anh cho hay qua thống kê, các doanh nghiệp Việt đã tận dụng tốt hơn cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) đem lại. Tổng kim ngạch sử dụng chứng nhận xuất xứ (C/O) ưu đãi chiếm khoảng 37% trong tổng kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường đối tác FTA.
Tới đây, Bộ Công thương sẽ chú trọng tháo gỡ rào cản kỹ thuật và thương mại, trong đó Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định sẽ chủ động nắm bắt tình hình áp dụng các biện pháp bảo hộ thương mại của các nước nhập khẩu để kịp thời thông tin cho doanh nghiệp, đồng thời đấu tranh có hiệu quả đối với các rào cản kỹ thuật, rào cản thương mại bất hợp lý.