Giảm cân một cách khoa học giúp phụ nữ giảm nguy cơ mắc bệnh hiểm nghèo, đặc biệt là ung thư vú (khoảng 26%).
Các nhà khoa học của Đại học Harvard, Mỹ, đã theo dõi hơn 180.000 người phụ nữ trong một thập kỷ để chứng minh điều này. Tuy chưa xác định việc điều chỉnh cân nặng, cụ thể là tăng cơ, giảm mỡ có thể giúp phụ nữ chống lại ung thư vú hay không nhưng các nhà khoa học khẳng định, một thân hình thon gọn, cân đối với tỉ lệ mỡ cơ thể thấp giúp giảm khả năng mắc bệnh này.
Kết quả khảo sát cho thấy, người giảm từ 4 pound (tương đương với 1,81 kg) đến 10 pound (4,54 kg) có nguy cơ mắc ung thư vú thấp hơn 13% so với người không thay đổi cân nặng. Tương tự, với người giảm từ 10 đến 20 pound (9,07 kg) là 16% và hơn 20 pound là khoảng 26% bởi béo phì làm tăng khả năng mắc ung thư vú, tức các tế bào mỡ sẽ sản sinh ra hoóc môn phát triển các khối u ác tính.
Trưởng nhóm nghiên cứu, bác sĩ Lauren Teras khuyên rằng: "Ngay cả khi tăng cân sau tuổi 50 thì việc giảm cân vẫn không quá muộn để hạ thấp nguy cơ mắc bệnh ung thư vú".
Ông cũng cho biết không có nguyên nhân chính gây ra ung thư vú nhưng việc duy trì cân nặng và có một lối sống lành mạnh sẽ giúp tất cả mọi người giữ nguy cơ mắc bệnh ở mức thấp nhất.
Theo thống kê của tổ chức ghi nhận ung thư toàn cầu (Globocan) năm 2018, mỗi năm ở Việt Nam có 15.229 ca mắc mới ung thư vú và có hơn 6000 ca tử vong. Với số liệu này, tỉ lệ mắc mới ung thư vú của Việt Nam đứng thứ 146/185 quốc gia, vùng lãnh thổ và tỉ lệ tử vong ở mức 10.5/100000 dân, xếp 150/185.