Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Y học New England ngày 26/12, cho thấy nhịn ăn gián đoạn có thể còn làm giảm huyết áp, hỗ trợ giảm cân.
Nhịn ăn gián đoạn (intermittent fasting) là thuật ngữ mô tả chế độ ăn uống và nhịn ăn có chu kỳ. Phương pháp giúp cơ thể có đủ thời gian tiêu thụ thức ăn hoàn toàn, đồng thời giới hạn nghiêm ngặt lượng calo dung nạp.
Mark Mattson, Giáo sư khoa Thần kinh học, Đại học Johns Hopkins, tác giả của nghiên cứu cho biết, có hai hình thức nhịn ăn gián đoạn chính: hạn chế thời gian ăn trong ngày (ăn từ 6-8 giờ và nhịn ăn trong 16-18 giờ còn lại) hoặc nhịn ăn liên tục trong vòng 16 đến 24 giờ, hai lần một tuần.
Theo nghiên cứu, nhịn ăn gián đoạn kích thích cơ thể chuyển hóa năng lượng dựa trên glucose sang năng lượng dựa trên ketone. Quá trình này giúp giảm thiểu căng thẳng, giảm tỷ lệ mắc bệnh ung thư, béo phì và tăng tuổi thọ.
Nghiên cứu chỉ ra trường hợp của người dân thành phố Okinawa, Nhật Bản, nổi tiếng với tuổi thọ cao và chế độ ăn uống giàu dinh dưỡng, ít calo.
Nhịn ăn gián đoạn cũng giúp cải thiện tình trạng kháng insulin, ổn định lượng đường trong máu. Kết quả của một phân tích vào năm 2018 cho thấy, bệnh tiểu đường loại 2 của ba bệnh nhân đã thuyên giảm và được phép ngừng sử dụng insulin sau một thời gian nhịn ăn gián đoạn.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, cần thực hiện thêm các nghiên cứu về ảnh hưởng lâu dài của việc nhịn ăn gián đoạn đối với cơ thể người. Các thử nghiệm lâm sàng hiện tại thường tập trung vào người thừa cân ở độ tuổi thanh niên hoặc trung niên. Chính vì vậy, kết quả chưa có sự bao quát.
Bên cạnh đó, đây là chế độ ăn kiêng khó tuân thủ, đặc biệt là ở Mỹ và một số nước châu Á, nơi khái niệm ‘ba bữa một ngày’ đã ăn sâu vào văn hóa. Nghiên cứu của Tạp chí Hiệp hội Y khoa Mỹ (JAMA) vào năm 2017 cho thấy, gần 40% người được chỉ định nhịn ăn gián đoạn đã bỏ cuộc sau một thời gian.
vnexpress.net