Ngày 24-12, giá bán USD niêm yết tại Ngân hàng Vietcombank ở mức 23.230 đồng/USD, giá mua vào ở mức 23.080 đồng/USD. So với mức giá đầu tháng 1-2019 giá bán USD tại ngân hàng đã giảm 25 đồng/USD. Còn giá mua USD tiền mặt đã giảm 55 đồng/USD.
Tại Ngân hàng Eximbank, giá bán USD ngày 24-12 còn 23.220 đồng/USD. Trong khi tại Ngân hàng ACB giá bán USD tiền mặt ở mức 23.225 đồng/USD.
Tỉ giá mua vào tại các ngân hàng dao động từ 23.080 – 23.110 đồng/USD, ngang với tỉ giá tháng 7-2018 - thời điểm mới bắt đầu nổ ra cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.
Diễn biến "lạ" của tỉ giá được lý giải là do nguồn cung ngoại tệ dồi dào, cán cân thương mại lũy kế 11 tháng thặng dư mức kỷ lục; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giải ngân tăng trưởng tốt, kiều hối về nhiều.
Trong suốt năm 2019, ngoại trừ một khoảng thời gian ngắn tỉ giá bật tăng do leo thang chiến tranh thương mại. Còn lại, tỉ giá mua vào của các ngân hàng luôn ở mức ngang bằng hoặc thấp hơn tỉ giá mua vào của Ngân hàng Nhà nước là 23.200 đồng/USD. Nhờ vậy, Ngân hàng Nhà nước đã mua được lượng lớn ngoại tệ, nâng dự trữ ngoại hối lên mức kỷ lục 73 tỉ USD, tương đương khoảng 14 tuần nhập khẩu.
Công ty chứng khoán SSI nhận định thời điểm cuối năm đang có rất nhiều yếu tố cùng đan xen tác động lên tỉ giá. Ngoài các diễn biến phức tạp từ bên ngoài, trong nước, cầu ngoại tệ tăng cao phục vụ nhu cầu nhập khẩu hàng hóa, thặng dư thương mại giảm mạnh. Trạng thái ngoại tệ của các Ngân hàng thương mại cũng bớt dồi dào do đã bán một lượng lớn ngoại tệ về Ngân hàng Nhà nước sẽ tạo áp lực lên tỉ giá.
Tuy nhiên ở chiều ngược lại, chênh lệch lãi suất VND-USD trên liên ngân hàng nới rộng, dòng kiều hối và ngoại tệ từ các giao dịch hợp tác kinh doanh, bán vốn vẫn tích cực sẽ hỗ trợ neo giữ tỉ giá.
Tuy nhiên trong năm 2020 tỉ giá sẽ đi theo hướng nào?
Theo phân tích của ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc toàn quốc khối kinh doanh tiền tệ và thị trường vốn của NH HSBC Việt Nam, năm 2020 có cơ sở để kỳ vọng tỉ giá tiếp tục được điều hành theo cơ chế linh hoạt.
Tuy nhiên, vẫn có những thách thức cần quan sát và theo dõi như những bất ổn khi kinh tế toàn cầu có dấu hiệu chậm lại. Thêm vào đó, cuộc chiến thương mại và Brexit đều chưa đến hồi kết, 2020 là năm bầu cử Tổng thống Mỹ…
Trong khi đó, việc Việt Nam gần đây bị đưa vào danh sách theo dõi thao túng tỉ giá của Mỹ cũng là một tín hiệu đáng lo ngại.
Ngoài ra nhu cầu nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam trong năm tới cũng có thể bị ảnh hưởng do tác động từ việc sụt giảm nhu cầu toàn cầu, do đó nguồn thu từ xuất khẩu có thể sẽ không còn được tích cực như trong năm nay.
"Xu hướng tỉ giá tiếp tục là biến số khó lường trong bối cảnh tình hình địa chính trị trên thế giới liên tục vận động. Kinh tế năm sau nhiều khả năng sẽ đứng trước nhiều khó khăn hơn, dẫn đến vấn đề định hướng đi cho tỉ giá cũng đứng trước nhiều thách thức", ông Khoa nhận định.
Về phía doanh nghiệp, đặc biệt với các doanh nghiệp có yếu tố xuất nhập khẩu, các doanh nghiệp có khoản vay nước ngoài bằng ngoại tệ, đứng trước những biến động khó lường của tỉ giá.
"Doanh nghiệp cần chủ động sử dụng các công cụ phòng vệ tỉ giá, lãi suất, đặc biệt thông qua các sản phẩm phái sinh tiền tệ như hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng hoán đổi lãi suất, … để đảm bảo chủ động trong hoạch định dòng tiền và cân đối lợi nhuận", ông Khoa khuyến cáo.
Từ tuoitre.vn