Đáng chú ý, các ngân hàng chính là những tổ chức phát hành nhiều trái phiếu nhất năm vừa qua, với 115.422 tỷ đồng, tương đương 41,2% tổng lượng phát hành.
Theo các chuyên gia của SSI, có tới 19 ngân hàng phát hành trái phiếu năm vừa qua, bao gồm cả 7 ngân hàng chưa niêm yết. Với kỳ hạn bình quân 4,1 năm, lãi suất trái phiếu của các ngân hàng thuộc nhóm thấp nhất thị trường, khoảng 7,04%/năm.
Ngoài BIDV và Vietinbank có các đợt chào bán ra công chúng trong nước và VPBank chào bán trái phiếu quốc tế, hầu hết nhà băng năm vừa qua đều phát hành dưới hình thức riêng lẻ.
Trong đó, BIDV là nhà băng phát hành mới nhiều trái phiếu nhất năm 2019, tổng cộng 18.371 tỷ đồng, kỳ hạn 6-15 năm. Một ngân hàng quốc doanh khác là Vietinbank cũng phát hành 5.500 tỷ trái phiếu kỳ hạn 7-15 năm.
Theo các chuyên gia, điều này cho thấy yêu cầu đáp ứng các tiêu chuẩn Basel II và Thông tư 41 khiến nhóm ngân hàng này phải đẩy mạnh phát hành trái phiếu kỳ hạn dài để tăng vốn cấp 2, cải thiện hệ số CAR.
Thực tế, BIDV và Vietinbank cũng là những ngân hàng đang gặp khó khăn trong việc tăng vốn để đáp ứng tiêu chuẩn tỷ lệ an toàn vốn theo Thông tư 41.
Xếp sau BIDV là hai ngân hàng tư nhân VPBank và ACB với lượng trái phiếu phát hành lần lượt đạt 18.060 tỷ và 11.950 tỷ.
VIB cùng HDBank là hai cái tên còn lại có lượng phát hành trái phiếu trên 10.000 tỷ năm vừa qua. Tuy nhiên, nhóm ngân hàng này chủ yếu phát hành trái phiếu kỳ hạn 2-3 năm, lãi suất 6,5-6,8%/năm.
Số liệu từ HNX cho thấy hơn 81.360 tỷ đồng trái phiếu được nhóm ngân hàng tư nhân này phát hành với kỳ hạn dưới 3 năm. Nhóm trái phiếu này sẽ giúp ngân hàng giảm được tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn tốt hơn so với việc huy động qua kênh tiền gửi thông thường.