Điều chỉnh chế độ ăn dặm phù hợp, tăng vận động, tập đi bô… giúp bé hạn chế vấn đề tiêu hóa như chướng bụng, đi phân sống, không đi ngoài nhiều ngày.
Dưới đây là chia sẻ của bác sĩ Chuyên khoa I Trần Trúc Bình, Viện nghiên cứu dinh dưỡng NutiFood, về nguyên nhân táo bón của trẻ và cách phòng tránh.
Khi trẻ bú mẹ hoàn toàn, hệ tiêu hóa không cần hoạt động quá nhiều vì sữa mẹ chứa các chất dinh dưỡng rất dễ tiêu hóa và hấp thu. Nhưng khi trẻ chuyển sang ăn dặm, thức ăn dặm hoàn toàn lạ lẫm và cơ thể trẻ có thể sẽ không tiết đủ enzyme tiêu hóa chúng. Thức ăn mới đặc hơn sữa của mẹ nên bé rất dễ táo bón khi mới bắt đầu ăn dặm.
Phân trẻ sẽ khác so với lúc bú mẹ. Phân sẽ khuôn hơn, màu đậm và nặng mùi hơn lúc trước nhưng đó là hiện tượng bình thường. Trừ khi trẻ bị chướng bụng, không đi cầu được hoặc phải rặn đỏ mặt để đi cầu, cộng thêm hình thái phân khô rắn hoặc rắn đầu phân, phân nhỏ như phân dê... thì mới là dấu hiệu chứng tỏ trẻ bị táo bón.
Nguyên nhân táo bón khi trẻ ăn dặm
Trong quá trình chế biến và tập cho con ăn dặm, có thể mẹ mắc phải những sai lầm khiến trẻ bị táo bón. Nguyên nhân đầu tiên có thể kể đến là cách cho bé ăn dặm. Nhiều trường hợp khi mới ăn dặm, bé có vẻ thích ăn nên người lớn cho con ăn luôn ba đến bốn bữa một ngày.
Việc nếm thức ăn mới có thể bé thấy thích thú và muốn ăn nhiều nhưng lúc này hệ tiêu hóa của bé chưa hoàn thiện, chưa thể tiêu hóa được lượng thức ăn ngoài lớn như vậy. Thức ăn không tiêu hóa hết sẽ dẫn đến táo bón.
Mặc khác, nhiều mẹ cho rằng trẻ ăn dặm không cần bú mẹ nữa vì sữa mẹ không còn chất, hoặc mẹ cho bé bú ngay sau khi ăn dặm khiến bé no không muốn bú thêm sữa nữa. Tuy nhiên, kể cả khi bé ăn dặm rồi vẫn nên bú mẹ nhiều nhất có thể. Sữa mẹ không chỉ cung cấp những chất dinh dưỡng tốt nhất cho con mà còn chứa lượng nước dồi dào, chứa các enzyme giúp tiêu hóa thức ăn. Do đó, bú mẹ ít đi cũng làm bé dễ táo bón.
Một số mẹ không thấy con tăng cân, sợ con thiếu chất nên pha cùng lúc nhiều loại sữa, hoặc cho thêm sữa để có nhiều chất hơn. Quá tải chất dinh dưỡng làm bé không hấp thu hết, dẫn đến trẻ bị rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy hoặc táo bón liên tục.
Nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng táo bón là không cho bé uống đủ nước khi bắt đầu ăn dặm. Nhiều mẹ quan niệm trẻ bú mẹ hoàn toàn hoặc uống nhiều sữa là đã đủ lượng nước, tuy nhiên quan niệm ấy là sai lầm. Mẹ cần cho trẻ uống thêm nước sau mỗi buổi ăn dặm để tránh bị thiếu nước dẫn đến táo bón.
Phòng tránh táo bón
Khi mới bắt đầu ăn dặm, mẹ chỉ nên cho bé ăn một đến hai thìa bột nấu với tỷ lệ một bột - mười nước và cho con ăn một bữa mỗi ngày. Mẹ có thể cho bé ăn thêm một thìa cà phê mỗi ngày các loại rau củ, trái cây xay nhuyễn như bí ngô, khoai lang, bông cải xanh, cà rốt, táo, lê, chuối, bơ, đu đủ...
Với sữa công thức, mẹ chú ý pha đúng tỷ lệ, không thêm không bớt nước, không pha nhiều loại sữa với nhau. Sau mỗi lần bú sữa công thức và ăn dặm mẹ cho bé uống thêm một thìa nước. Tổng lượng nước bé cần tùy theo cân nặng, 100ml/kg cân nặng mỗi ngày. Ví dụ, bé sáu tháng tám kg sẽ cần khoảng 800ml nước mỗi ngày bao gồm cả nước trong sữa, nước hoa quả, bột ăn dặm và lượng uống thêm. Dựa vào đó, mẹ cho bé uống thêm lượng nước thích hợp.
Tăng cường vận động làm tăng hoạt động của nhu động đường ruột sẽ giúp bé tiêu hóa tốt hơn và tống phân dễ dàng hơn. Mẹ cho con bò thỏa thích, massage bụng và làm động tác đạp xe mỗi ngày, rất hữu ích cho việc đi tiêu. Tập cho bé ngồi bô vào giờ cố định sẽ hình thành cho bé thói quen đi ngoài mỗi ngày, ngăn ngừa tình trạng táo bón.
(Bác sĩ Trần Trúc Bình từ vnexpress.net)